-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Thứ Ba,
01/11/2022
Đăng bởi: Kinderlove
Bộ não con người có 100 tỷ tế bào thần kinh, trẻ sơ sinh có sẵn số lượng tế bào này nhưng có rất ít liên kết giữa chúng. Bộ não của trẻ sơ sinh phát triển bằng cách tạo ra một mạng lưới phức tạp giữa các tế bào này.
Nghiên cứu cho thấy rằng có một số biện pháp hiệu quả giúp phát triển trí não của trẻ sơ sinh, xây dựng những kết nối lâu dài đó. Và tất cả đều dễ thực hiện!
Bảo vệ trẻ khỏi nhiều tiếng ồn lộn xộn
Hệ thần kinh của trẻ sơ sinh thực sự không có bộ lọc: trẻ không thể loại bỏ ra bất cứ thứ gì mà mắt trẻ nhìn thấy, tai trẻ nghe thấy hoặc làn da của trẻ cảm nhận được. Nếu trẻ nghe nhiều loại âm thanh cùng một lúc, ví dụ như bầu không khí quán cà phê điển hình với tiếng nhạc đang chơi, vài người nói chuyện, tiếng ồn giao thông,... có thể dễ dàng làm trẻ bị quá kích thích và khóc vì khó chịu. Em bé sơ sinh của bạn thích nghe từng loại âm thanh riêng lẻ với những âm điệu nhẹ nhàng. Trẻ học cách phân biệt các loại âm thanh, từ đó giúp phát triển trí não của trẻ.
Sử dụng ánh sáng yếu khi trẻ thức
Sau 9 tháng trong ánh sáng mờ trong bụng mẹ, mắt trẻ sơ sinh mất vài tuần để thích nghi với ánh sáng cường độ cao hơn. Trong điều kiện ánh sáng yếu và khi thức, trẻ sơ sinh sẽ mở mắt và nhìn xung quanh phòng trong giây lát. Việc nhìn sớm này giúp trẻ luyện tập hoạt động cả hai mắt cùng nhau (thông thường mắt của trẻ sơ sinh không nhìn về cùng một hướng) và cũng luyện tập phản xạ đồng tử của trẻ, trong đó đồng tử điều chỉnh lớn hơn hoặc nhỏ hơn dựa trên lượng ánh sáng khác nhau. Bạn có thể giúp trẻ phát triển kết nối não - mắt bằng cách thay đổi cường độ ánh sáng dần dần (tránh ánh sáng mạnh, chẳng hạn như ánh nắng trực tiếp). Bạn có thể sử dụng công tắc điều chỉnh độ sáng, hoặc rèm cửa khi bé thức.
Hoạt động da tiếp da
Hoạt động nằm da tiếp da đôi khi có thể cảm thấy bất tiện, nhưng nó đáng giá. Việc này đem lại một loạt các lợi ích: tiêu hóa tốt hơn, điều chỉnh thân nhiệt, tăng cân, cải thiện khả năng miễn dịch, giúp trẻ ngủ sâu và phát triển trí não của trẻ sơ sinh. Cha mẹ cũng được hưởng lợi ích từ việc này: các hoóc môn tạo cảm giác dễ chịu tiết ra khi bạn và con bạn tiếp xúc da kề da.
Dưới đây là một số mẹo và ý tưởng cho hoạt động da tiếp da:
- Thời gian cho bú là một cơ hội tuyệt vời để da tiếp da. Bé chỉ cần mặc bỉm, cởi áo bạn để con tiếp xúc da. Trước khi bắt đầu, hãy nhớ đi vệ sinh, lấy một cốc nước, điện thoại, sách hoặc bất cứ thứ gì khác mà bạn muốn để phòng trường hợp con bạn ngủ và bạn muốn tiếp tục nằm thư giãn với con. Chú ý đừng ngủ quên bởi việc này khiến bạn không kiểm soát được khả năng con bị ngạt hoặc con quá nóng tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh.
- Nếu em bé của bạn thích mát-xa, hãy thử xoa người bé nhẹ nhàng với dầu em bé hay dầu dừa. Mát-xa cho trẻ sơ sinh làm trẻ dễ ngủ, làm giảm đầy hơi, kích thích tiêu hóa. Hãy bắt đầu từ ngực hay giữa cơ thể trẻ và vuốt ra ngoài, rồi di chuyển ra chân và tay.
- Thời gian da tiếp da có tác dụng tuyệt vời đối với bố mẹ. Trong vai trò mới làm bố mẹ, đôi khi bạn cảm thấy lo lắng, thất vọng, căng thẳng. Việc tiếp xúc da với con sẽ giải phóng oxytocin, một loại hormone giúp bạn cảm thấy thư thái và hạnh phúc.
Hình ảnh có độ tương phản cao phức tạp dần
Trong ảnh: Thẻ ảnh đen trắng và tấm giữ đứng ảnh trong hộp đồ chơi Ánh Sáng của Kinderlove cho trẻ sơ sinh và 1 tháng tuổi
Nhiều thập kỷ nghiên cứu cho thấy rằng, việc nhìn vào những hình ảnh có độ tương phản cao là rất quan trọng đối với sự phát triển nhận thức của trẻ. Cho đến khoảng tháng thứ năm, trẻ sơ sinh sử dụng chủ yếu đôi mắt của mình để tìm hiểu cách thức hoạt động của thế giới.
Một số mẹo để phát triển đôi mắt của bé:
- Bắt đầu với những hình ảnh đơn giản cách mặt bé khoảng 30cm (khoảng cách từ cổ tay đến khuỷu tay của bạn). Giữ cố định các hình ảnh cho đến khi bé nhìn đi chỗ khác, một dấu hiệu cho thấy bé đang mất hứng thú. Bạn có thể nhận thấy bé nhìn chằm chằm vào các hình ảnh trong nhiều giây, thậm chí vài phút tại một thời điểm.
- Khi trẻ không còn hứng thú với một hình ảnh, hãy thay đổi sang hình ảnh mới.
- Khi trẻ lớn hơn một chút và mắt trở nên khỏe hơn, bạn có thể chuyển sang những hình ảnh tương phản phức tạp hơn
- Bạn có thể từ từ di chuyển một hình ảnh qua lại trước mặt để giúp trẻ thực hành theo dõi một đối tượng chuyển động bằng mắt. Đây là một kỹ năng quan trọng sau này để đọc, viết và phối hợp tay mắt.
- Cho trẻ xem hình ảnh có độ tương phản cao trong thời gian nằm sấp, trong xe hơi, và trong thời gian chơi trong 14 tuần đầu tiên cải thiện phát triển trí não của trẻ sơ sinh.
Giúp trẻ duỗi ra khỏi vị trí bào thai
Sau 9 tháng nằm trong bụng mẹ, em bé của bạn cần phải duỗi ra khỏi vị trí bào thai và sử dụng các cơ của mình theo những cách mới. Để trẻ nằm nhiều tư thế khác nhau trong ngày để tránh bị méo đầu, giúp phát triển sức mạnh cơ thể và giúp não bộ của bé bắt đầu hiểu vị trí của cơ thể mình trong không gian.
Một số mẹo để tránh bị lép đầu và giúp bé tăng sức mạnh cơ thể:
- Các bác sĩ khuyên bạn nên điều chỉnh bé nằm cân bằng hai phía để tránh bị méo đầu và co cơ cổ. Hầu hết trẻ sơ sinh không thể nằm thẳng đầu: đầu trẻ nghiêng sang bên này hay bên kia. Trẻ sơ sinh thường quay đầu sang một bên, phù hợp với vị trí của trẻ trong bụng mẹ. Vì vậy, giúp con bạn học cách xoay chuyển đầu và cơ thể là điều nên làm.
- Nằm nghiêng cũng tốt cho em bé của bạn và thường trẻ có thể nằm nghiêng lâu hơn nằm sấp. Nằm nghiêng giúp em bé của bạn xây dựng sức mạnh ở lưng và bụng, đồng thời cũng khuyến khích trẻ đưa hai tay lại gần nhau.
Lưu ý: Cho trẻ nằm ngửa khi ngủ. Bạn chỉ nên cho trẻ nằm ở các tư thế khác khi trẻ thức và bạn phải luôn ở bên cạnh trẻ để giám sát.
Đây là cách thực hiện:
- Cuộn một tấm chăn và dùng nó để đỡ lưng cho em bé nằm nghiêng, luôn có sự giám sát của bạn.
- Bạn có thể đặt các thẻ ảnh đen và trắng vào một tấm giữ đứng thẻ trong tầm nhìn của bé để thu hút sự chú ý của trẻ.
- Chuyển tư thế sang phía bên kia và lặp lại.
Hoạt động nằm sấp kích thích phát triển não bộ của trẻ sơ sinh
Trong ảnh: Sách gỗ màu của Kinderlove
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyên bạn rằng nên thực hiện hoạt động nằm sấp có giám sát cho trẻ sinh đủ tháng bắt đầu từ tuần đầu tiên sau khi cuống rốn rụng xuống. Một số em bé thích nằm sấp, nhưng nhiều trẻ lại không thấy vui vẻ lắm.
Hãy tiếp tục cố gắng ngay cả khi con bạn không thích, bởi hoạt động nằm sấp là điều cần thiết để xây dựng các cơ và sự phối hợp cơ thể cần thiết để lăn, bò, đi, với tay, và chơi. Trái với việc người lớn cho rằng trẻ còn non yếu, cơ bắp được vận động sẽ kích thích hệ thần kinh giúp ích cho sự phát triển trí não của trẻ sơ sinh.
Một số mẹo để có thời gian nằm sấp thú vị hơn:
- Từ từ lăn trẻ nằm sấp với hai cánh tay đặt dưới vai.
- Trẻ sơ sinh thích nghiêng đầu sang một bên khi nằm sấp, giống như vị trí của trẻ trong bụng mẹ.
- Để các tấm ảnh đen trắng trong tấm giữ đứng ảnh trước mặt trẻ.
- Thỉnh thoảng cho bé quay đầu về phía đối diện: quay đầu giúp tránh dẹt đầu và cơ cổ bị căng.
- Khi bé lớn hơn, hãy đặt các thẻ ảnh trước mặt bé, để bé có thể nhìn thấy hình ảnh khi nâng cằm lên – hoặc là nâng ngực lên khi trẻ đã mạnh hơn.
- Đối với trẻ sơ sinh, chỉ cần nằm sấp 3 đến 5 phút mỗi lần, 2 đến 3 buổi mỗi ngày là thành công rồi. Nếu trẻ có vẻ mệt mỏi hoặc bắt đầu khóc, hãy cho trẻ nghỉ ngơi và tiếp tục vào một lúc khác.
- Đặt trẻ nằm trên ngực bạn, nằm sấp đối diện với bạn và nhẹ nhàng nói chuyện với trẻ để cố gắng khuyến khích trẻ ngẩng đầu lên.
- Đặt em bé của bạn nằm sấp trên đùi của bạn và nhẹ nhàng xoa lưng cho trẻ.
- Bế trẻ trên vai trong khi nhẹ nhàng đỡ đầu cũng giúp tăng cường phát triển cơ cổ và cơ lưng của trẻ.
Âm thanh của giọng nói của bạn
Đôi khi người lớn ngần ngại đối thoại với trẻ sơ sinh do nghĩ rằng chúng chưa thể hiểu hay tương tác lại. Nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rõ ràng - có mối liên hệ trực tiếp giữa trí thông minh của trẻ và số lượng từ trẻ được nghe. Trong những tháng đầu tiên, em bé của bạn thường xuyên lắng nghe ngữ điệu, nhịp điệu và các kiểu giọng nói của bạn. Mặc dù trẻ chưa thể hiểu bạn đang nói gì, nhưng não của trẻ đang đặt nền tảng để tiếp thu ngôn ngữ.
Một số mẹo để nói chuyện với em bé của bạn:
- Đọc sách cho trẻ nghe và cố gắng thể hiện nhiều sắc thái biểu cảm qua giọng nói.
- Thực hiện một “chuyến tham quan nhà”. Hãy bế con đi xung quanh nhà bạn và nói về những gì con đang thấy và trải nghiệm. Các chuyến “tham quan” nhà thường là hoạt động được yêu thích trong năm đầu tiên.
- Nói với con bạn về những gì con và bạn đang làm cùng nhau trong ngày, từ những việc nhỏ nhất. Bạn đang thay áo hay thay tã cho con, bạn đang kéo rèm lên cho con nhìn thấy ngoài cửa sổ….
- Giao tiếp bằng mắt và đáp lại tín hiệu của trẻ. Nếu trẻ bắt đầu mỉm cười hay phát ra tiếng đáp lại bạn, hãy nói lại. Sự tương tác là một yếu tố quan trọng kích thích giúp phát triển trí não của trẻ.
- Hãy hát cho con bạn nghe, ngay cả khi bạn không nghĩ rằng bạn có một giọng hát tuyệt vời - con bạn sẽ thích nó vì đó là bạn. Trẻ sơ sinh chú ý đến giọng hát nhiều hơn là nói.
- Nói một cách chậm rãi, với âm thanh cao hơn so với giao tiếp bình thường. Trẻ sơ sinh được lập trình sẵn để chú ý đến các âm cao hơn và các nguyên âm kéo dài.
- Nói với bạn đời của bạn, ông bà của bé và những người chăm sóc khác về tầm quan trọng của việc nói chuyện đối với não bộ đang phát triển của bé. Khuyến khích họ tìm cách trò chuyện với em bé của bạn - em bé của bạn càng nghe được nhiều từ thì việc tiếp thu ngôn ngữ của trẻ sau này càng dễ dàng.
Giúp phát triển trí não của trẻ bằng âm thanh mới lạ
Khoảng 4 tuần tuổi, em bé của bạn có thể sẽ bắt đầu tỏ ra thích thú hơn với nhiều loại âm thanh và chất liệu khác nhau. Giúp trẻ xây dựng mạng lưới thần kinh lâu dài hơn bằng cách cho trẻ tiếp xúc với âm thanh từ cuộc sống thực, thay vì âm thanh được ghi sẵn từ đồ chơi. Bạn có thể thử nghiệm với nhiều loại âm thanh khác nhau: âm vực cao, âm vực thấp, tiết tấu chậm, sống động, nhẹ nhàng. Không nên giới thiệu đồng thời nhiều loại âm thanh một lần, khiến trẻ bị quá tải.
Khi bé thức và trong phòng yên tĩnh, hãy tạo ra những âm thanh đơn giản trong tầm nhìn của bé: gõ vào kính, lắc chìa khóa, búng ngón tay. Những âm thanh hàng ngày này là quen thuộc đối với bạn, nhưng với trẻ là hoàn toàn mới và thú vị. Cố gắng thu hút sự tham gia của bé càng nhiều càng tốt bằng cách nói về những gì bạn đang làm và những gì bé đang thấy. Mặc dù bé vẫn chưa hiểu nhưng bé cảm nhận được sự vui vẻ trong đó.
Một số ý tưởng khám phá âm thanh:
- Xé hoặc vò giấy trước mặt bé.
- Gõ thìa vào bát hoặc tạo ra những tiếng động nấu nướng thông thường khác.
- Xoay tay nắm cửa, bấm chuông cửa và mở hoặc đóng rèm hoặc cửa sổ.
- Chơi và nhảy theo nhạc.
- Cũng như các hình thức kích thích khác, hãy quan sát các phản ứng của bé. Nếu trẻ không vui hoặc bị quá kích thích, hãy để trẻ nghỉ ngơi.
Cũng như các hình thức kích thích khác, hãy quan sát các phản ứng của bé. Nếu trẻ không vui hoặc bị quá kích thích, hãy để trẻ nghỉ ngơi.
Khám phá thế giới xung quanh (khi trẻ khoảng 8 tuần)
Trong ảnh: Găng tay đen trắng trong hộp đồ chơi Ánh Sáng của Kinderlove
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi vừa chào đời, trẻ chỉ nhận biết được đơn sắc đen trắng và các sắc độ xám, tận dụng điều này để kích thích thị giác trẻ là bước đầu hỗ trợ sự phát triển trí não của trẻ sơ sinh. Việc sử dụng món đồ đơn sắc như găng đen trắng khiến trẻ tập trung chú ý vào chuyển động tự nhiên của đôi tay, dần có ý thức trong việc điều khiển nó.
Khám phá bàn tay là một bước quan trọng trong quá trình điều khiển bàn tay.
- Đặt em bé của bạn nằm ở nơi mà không có hình ảnh tương phản cao nào khác trong tầm nhìn.
- Mang găng tay đen và trắng lên tay bé khi bé nằm ngửa hoặc nằm nghiêng hoặc trong thời gian nằm sấp.
- Xem liệu trẻ có bắt đầu để ý đến bàn tay của mình không. Nếu không, bạn có thể nhẹ nhàng đưa tay trẻ vào tầm nhìn của trẻ.
Bổ sung Vitamin D cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ
Đối với các mẹ đang cho con bú hoàn toàn, một mẹo nhỏ bổ ích cho não bộ của trẻ: bổ sung cho trẻ nhỏ vitamin D mỗi ngày. Vitamin D cần thiết cho sự phát triển khỏe mạnh và thường nó không có đủ lượng trong sữa mẹ. Hãy tham khảo ý kiến từ bác sĩ nhi khoa về liều lượng, thời điểm sử dụng trước khi bổ sung cho trẻ nhé!
Mọi thông tin liên hệ:
CÔNG TY TNHH KINDERLOVE
Website: https://kinderlove.vn
Zalo: 0334549012
Email: hello@kinderlove.vn
Bài viết khác:
- Chế Độ Dinh Dưỡng Cho Trẻ Sơ Sinh Và Trẻ Nhỏ - Những Điều Cần Biết
- Các Vấn Đề Sức Khỏe Trẻ Sơ Sinh Thường Gặp: Điều Gì Bố Mẹ Cần Biết?
- Trẻ Sơ Sinh Bị Ho: Ba Mẹ Đừng Xem Nhẹ! Nguyên Nhân & Cách Trị
- Mẹ Cho Bé 7 Tháng Tuổi Ăn Gì? Thực Đơn Ăn Dặm Siêu Hấp Dẫn
- Tips Cho Con Bú Đúng Cách Sữa Về Nhiều Không Bị Sặc
- 5 Nguyên Nhân Khiến Trẻ Khóc Đêm & Giải Pháp Dành Cho Ba Mẹ