Quá Trình Myelin Và Sự Phát Triển Về Vận Động Trong Những Năm Đầu Đời Của Trẻ


Quá Trình Myelin Và Sự Phát Triển Về Vận Động Trong Những Năm Đầu Đời Của Trẻ
Thứ Năm, 23/03/2023 Đăng bởi: Kinderlove

Hiểu về tác động của quá trình myelin đến phát triển về vận động

Quá trình Myelin được định nghĩa là "sự phát triển của một vỏ bọc myelin quanh một sợi dây thần kinh." Vỏ bọc đóng vai trò cách ly các thông điệp từ não đến các cơ bắp khác nhau trong cơ thể, dẫn đến các vận động có mục đích hoặc phối hợp.

Trẻ sơ sinh khi mới ra đời, quá trình bọc myelin này chỉ mới diễn ra ở môi, miệng, cổ họng để giúp trẻ có thể bú mút được ngay sau khi chào đời. Quá trình bọc myelin này tiếp tục diễn ra liên tục trong năm đầu tiên của trẻ và tạo điều kiện cho trẻ có thể thu nhận được các thông tin nhanh chóng, bảo toàn từ các giác quan, đồng thời giúp trẻ có thể kiểm soát và phối hợp các vận động phức tạp của mình ngày càng chính xác hơn.

Khi myelin bọc đến đâu, biểu hiện bên ngoài của quá trình sinh học này là chúng ta có thể nhìn thấy trẻ đạt các cột mốc trong sự phát triển về vận động của mình. Quá trình bọc myelin diễn ra song song theo hai hướng từ trên xuống dưới và từ giữa sang hai bên. Vì thế các đầu ngón chân và đầu ngón tay là những phần cơ thể được bọc myelin muộn nhất.

Đây là một quá trình hai chiều, quá trình myelin tạo ra cử động, nhưng cử động cũng làm tăng sự hình thành của myelin. Vì vậy, phụ huynh cho phép trẻ di chuyển càng nhiều thì trẻ càng phát triển.  Một đứa trẻ, theo bản năng tự nhiên sẽ rất thích vận động.

Thông thường, trẻ sẽ rất thất vọng khi không thể vận động theo ý muốn. Có rất nhiều phát minh hiện đại xen ngang sự vận động tự nhiên của trẻ. Vì vậy, cha mẹ phải đảm bảo rằng trẻ em được dành nhiều thời gian nhất có thể để vận động tất cả các bộ phận của cơ thể.

Quá trình Myelin qua các mốc phát triển vận động

 

Quá trình myelin

Với những tiềm năng mà tự nhiên đã trao cho các bé, đứa trẻ bắt đầu hành trình chinh phục vận động của mình. Để tìm hiểu rõ các mốc trong sự phát triển của trẻ, chúng ta xem xét vận động của trẻ dưới 2 hình thức là vận động thăng bằng và vận động của đôi bàn tay. Thông thường hay được sử dụng là vận động thô/vận động cơ lớn và vận động tinh/vận động cơ nhỏ. 

  • Vận động thăng bằng

Là vận động mà cá nhân thực hiện để duy trì thăng bằng ở một tư thế hoặc di chuyển sang một tư thế khác. Trong những tháng đầu đời, trẻ được đặt nằm ngửa hoặc nằm sấp. Dần dần trẻ có thể kiểm soát cơ cổ của mình khi quá trình bọc myelin tiến đến cổ, khi đó trẻ có thể bắt đầu giữ được cổ khi được đặt nằm sấp hoặc được bế tựa trên vai. 

Sau đó vài tháng, bé bắt đầu những nỗ lực bền bỉ để tập lật, lẫy. Biết lẫy rồi lại tiếp tục dùng đôi tay để đẩy người ngồi dậy, sau đó một vài tuần thậm chí có thể ngồi độc lập mà không cần cánh tay đẩy ở phía trước. Đây là biểu hiện cho thấy myelin đã được bọc đến lưng. 

Một số trẻ tiến trình lại có chút khác biệt khi bắt đầu bằng việc vịn bàn ghế đứng dậy và sau đó một thời gian thì bắt đầu đi men theo thành bàn, thành giường. Khoảng 11 tháng tuổi, khi myelin bọc xuống đến chân, em bé được tạo điều kiện cần về mặt sinh học để có thể tự đứng dậy giữa phòng mà không cần níu vịn vào bất cứ ai hay bất cứ đồ vật nào – hoàn toàn chỉ nhờ sức mạnh của đôi chân. 

  • Vận động đôi bàn tay:

Nếu như vận động thăng bằng về cơ bản là khá giới hạn thì vận động của đôi bàn tay là vô hạn, vô cùng đa dạng. Một khi vận động thăng bằng được hình thành, con người đứng vững trên mặt đất, đó là lúc đôi tay được giải phóng khỏi nhiệm vụ giữ thăng bằng cơ thể.

Bàn tay của em bé sơ sinh trong 3 tháng đầu đời chưa hề sở hữu vận động cầm nắm chủ đích mà chỉ có phản xạ cầm nắm nguyên thủy. Đó là phản xạ thường thấy khi cha mẹ đặt ngón tay của mình vào bàn tay bé, lập tức bàn tay các bé sẽ nắm lại. Sự cầm nắm này chỉ là phản xạ, vì em bé không hề nhận thức được, không hề kiểm soát được vận động đó. 

Từ 3 tháng trở đi, trẻ bắt đầu cầm nắm có chủ đích, có kiểm soát. Có thể thấy rõ ràng, khi trẻ bắt đầu ngồi vững và đôi tay bắt đầu tự do tương tác với môi trường xung quanh, đó chính là thời điểm mà đôi tay bắt đầu luyện tập và hiện thực hóa các vận động đôi tay mà các bé nhìn thấy trong môi trường. 

Những phối hợp đầu tiên là các phối hợp giữa ngón tay cái và các ngón còn lại trong bàn tay để có thể cầm nắm được các vật với hình dạng khác nhau mà trẻ vô tình “kiếm được”. Thời điểm ban đầu, ngón cái của trẻ chưa ở vị trí đối diện với các ngón tay còn lại, vì thế chúng ta thấy cách trẻ cầm vật còn kém chắc chắn.

Tuy nhiên sau gần nửa năm luyện tập, đến khoảng tháng thứ 8, nếu trẻ được trao tự do vận động và tương tác với môi trường, trẻ đã có thể kéo ngón tay cái về đối diện các ngón còn lại và cầm nắm vật một cách chủ đích và chắc chắn. Khoảng 10 tháng một tay trẻ sẽ giữ vật (ví dụ giữ cố định hộp/tủ ngăn kéo), tay còn lại sẽ hoạt động (ví dụ cầm núm và kéo mở hộp hoặc thả bóng).

Đến thời điểm 12 -14 tháng, khi myelin được bọc đến các đầu ngón tay, trẻ có thể thực hiện được vận động càng của tinh tế để nhặt các vật rất nhỏ bằng đầu mút của ngón cái và ngón trỏ.

Song song với phối hợp cầm nắm, sau 1 tuổi trẻ với đôi bàn tay tự do còn thực hiện rất nhiều phối hợp vận động phức tạp khác nhau giữa 2 bàn tay, mà trẻ nhìn thấy người lớn thực hiện. Tầm 14 tháng trẻ có thể dùng 2 tay cùng một lúc để thực hiện hoạt động giống như nhau (Ví dụ đánh trống với 2 tay đánh nhịp cùng lúc) . 

Giai đoạn trẻ 2 tuổi, trẻ cũng có dùng 2 tay cùng lúc để thực hiện hoạt động khác nhau (ví dụ đánh trống với 2 tay tuần tự nhau). Tiềm năng của đôi bàn tay là vô hạn khi các bé được trao tự do và được hướng dẫn để tự thực hiện các hoạt động, vận động.

Vai trò phụ huynh đến phát triển về vận động

Phát triển vận động

Sự phát triển của trẻ chỉ có thể do chính các bé tạo ra thông qua những nỗ lực của bản thân. Thế nên phụ huynh hãy lùi một bước, thể hiện sự tôn trọng với việc của trẻ đang thực hiện và hãy kiên nhẫn đồng hành với con. Dưới đây là những việc mà các bậc phụ huynh có thể thực hiện để hỗ trợ sự phát triển vận động cho các bé trong 3 năm đầu đời:

  • Làm mẫu: Hãy cung cấp “nguyên liệu đầu vào” cho trẻ. Nói một cách đơn giản, nếu muốn trẻ cầm thìa xúc cơm hay cho trẻ thấy cha mẹ dùng thìa để ăn như thế nào, nếu muốn trẻ có vận động rót nước, hãy để trẻ thấy việc rót nước được người lớn làm ra sao. Chính vì thế ngay cả khi trẻ vẫn còn nhỏ, hãy tạo điều kiện để các bé nhìn thấy mọi vận động được thực hiện trong cuộc sống. Cha mẹ hãy làm mẫu cho bé thấy những phối hợp vận động chậm rãi, chính xác và có kiểm soát… Những thứ nhìn thấy trong môi trường sẽ gợi cảm hứng để bé thực hiện và sẽ sớm biến nó thành vận động của chính bản thân các bé.
  • Tạo không gian cho vận động: Cha mẹ hãy cung cấp không gian để vận động được diễn ra, bằng cách:

 + Sắp xếp lại môi trường trong nhà và tạo ra một khoảng không gian an toàn để trẻ có thể vận động.

 + Hãy loại bỏ hoặc hạn chế tối đa sử dụng các dụng cụ cản trở vận động của trẻ như cũi, đai tập đi… Và hãy sử dụng có giới hạn các vật như: địu, xe đẩy.

 + Trao tự do cho trẻ vận động. Phụ huynh hãy tin tưởng trẻ, quan sát bên cạnh nhưng không ngắt quãng sự tập trung. Chỉ cần ở bên đảm bảo an toàn và phản hồi khoa học khi trẻ có nhu cầu giao tiếp.

 + Ghi nhận những nỗ lực của các bé theo cách lành mạnh.

 + Thiết lập và duy trì hằng ngày cho trẻ vận động tự do. Trẻ nên được tự do vận động ở khu vực vận động khi trẻ không có các nhu cầu khác như ngủ, bú, giao tiếp…ngay cả từ những ngày đầu tiên.

 + Với các phối hợp vận động của đôi tay, hãy trao công cụ phù hợp cho trẻ khi bắt đầu có năng lực, đồng thời hãy tin tưởng khả năng tự hoàn thiện của các bé. 

  • Sử dụng những quần áo hỗ trợ vận động của trẻ. Ví dụ: Khi đang thực hiện chuỗi vận động chơi đá bóng thì chắc chắn không nên mặc những trang phục hạn chế di chuyển của chân…
  • Quan sát vận động thăng bằng và vận động đôi bàn tay của các bé, từ đó đưa vào môi trường các thiết bị, đồ dùng, hoạt động phù hợp để hỗ trợ sự phát triển này.
 

Mọi thông tin liên hệ:

CÔNG TY TNHH KINDERLOVE

 
Viết bình luận:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: