10 Khái Niệm Cơ Bản Giúp Kích Thích Khả Năng Tư Duy Của Trẻ


10 Khái Niệm Cơ Bản Giúp Kích Thích Khả Năng Tư Duy Của Trẻ
Thứ Bảy, 11/02/2023 Đăng bởi: Kinderlove

Giai đoạn từ 0-6 tuổi là “giai đoạn vàng” để trẻ hoàn thiện về nhân cách và nhận thức. Cha mẹ thường băn khoăn về việc dạy cho con về điều gì để con sở hữu một nền tảng tư duy tốt trước khi bước vào con đường học tập tri thức. Câu chuyện về lựa chọn trường mẫu giáo, những lớp học tiền tiểu học luôn là đề tài nóng hổi xuất hiện trong cuộc gặp mặt của các bậc phụ huynh. 

Thế nhưng, cha mẹ chính là người thầy đầu tiên, người thầy tốt nhất mà con trẻ được học. Ngay từ những năm đầu đời, cha mẹ hoàn toàn có thể hỗ trợ con theo phương pháp giáo dục Montessori, để con hiểu được những khái niệm cơ bản giúp kích thích khả năng tư duy của trẻ. Kinderlove đưa ra gợi ý về 10 khái niệm cơ bản mà cha mẹ nên giới thiệu và hướng dẫn con tìm hiểu ngay từ khi còn nhỏ để giúp trẻ phát triển tư duy.

Các khái niệm cơ bản trẻ cần biết và các hoạt động hỗ trợ

Khái niệm hình dáng - hình khối

Việc nhận biết hình dáng các sự vật là điều cần thiết trong đời sống hàng ngày cũng như quá trình học tập sau này của trẻ. Khi tìm hiểu về khái niệm hình dáng, trẻ cần sử dụng thị giác thường xuyên. Những hình ảnh mà đôi mắt thu nhận sẽ được đưa về xử lý trong bộ não của trẻ, kích thích trẻ nhận biết và ghi nhớ. Quá trình tập luyện phân biệt hình dáng kích thích trẻ tăng cường khả năng phân biệt của thị giác. Nếu trẻ được cầm, sờ những vật có hình dáng cụ thể cũng góp phần luyện tập các nhóm cơ bàn tay, cơ ngón tay, xây dựng nền móng cho việc viết chữ, vẽ tranh trong tương lai.

Khi trẻ đã làm quen với khái niệm hình dáng, cha mẹ có thể nâng cao mức độ bằng việc cho trẻ làm quen với hình khối. Các hình khối khác nhau sẽ giúp trí não trẻ phát huy tưởng tượng về không gian. Thực hành phân biệt các hình dáng - hình khối không phải hoạt động quá phức tạp. Tuy nhiên, cha mẹ nên cho con tiếp xúc với những đồ vật có hình dạng đơn giản trước, sau đó mới tăng dần độ phức tạp. 

Cha mẹ có thể dẫn dắt trẻ từng bước với những hoạt động đơn giản tại nhà bằng cách sử dụng những thẻ hình. Cha mẹ sẽ đặt những thẻ hình trước mặt trẻ không theo thứ tự cụ thể nào, để trẻ chọn tuỳ ý và giới thiệu tên gọi hình dáng - hình khối đó với con. Điều quan trọng là trẻ được quyết định học về thứ con thích và tốc độ con muốn. Phụ huynh nên kiên nhẫn bám sát tốc độ của trẻ thay vì vội vã giới thiệu thật nhiều thông tin. Trẻ không thể nhớ mọi thứ chỉ trong một vài buổi luyện tập.

Với những em bé đã có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ, hoạt động sẽ phức tạp hơn. Cha mẹ có thể nhờ con tìm kiếm vật dụng có hình dạng theo yêu cầu. Việc sử dụng giáo cụ Montessori theo đúng độ tuổi sẽ tạo được hứng thú với trẻ, thúc đẩy quá trình luyện tập hiệu quả hơn. 

img_6210small_66cb50d2bb004f028877de3cdaa57a40_large

Trong ảnh: Ghép hình hình học trong Hộp đồ chơi Chuyển động của Kinderlove cho tháng thứ 15-16

Khái niệm màu sắc

Trong chương trình của các trường mẫu giáo luôn luôn có bộ môn mỹ thuật. Trẻ em được làm quen với màu vẽ và tranh ảnh từ khi còn rất nhỏ. Lý do là bởi trẻ em có bộ não sáng tạo bay bổng. Việc trẻ được tiếp xúc nhiều với màu sắc sẽ giúp trẻ phát triển tư duy thẩm mỹ nói riêng, khả năng tư duy của trí não nói chung. 

Cha mẹ nên giới thiệu khái niệm về màu sắc cho con càng sớm càng tốt. Cảm nhận màu sắc của thị giác mỗi người là khác nhau, bị chi phối bởi yếu tố bẩm sinh. Thậm chí có người mắc phải hiện tượng mù màu, hoặc chỉ phân biệt được một vài màu cơ bản. Khả năng phân biệt các sắc độ màu sắc đậm nhạt của mỗi người cũng khác nhau. Một ví dụ cụ thể mà cha mẹ có thể thấy rõ nhất điều này, đó là mẹ có thể phân biệt rất nhiều màu son đỏ: đỏ cam, đỏ gạch, đỏ rượu,... Thế nhưng bố thường chỉ thấy mọi màu son đỏ đều chỉ là màu đỏ giống nhau. 

Montessori khuyến khích trẻ làm quen với màu sắc thông qua kích thích vận động thị giác ngay từ khi trẻ mới lọt lòng. Việc luyện tập nhận biết màu sắc từ sớm có thể giúp cha mẹ sàng lọc sớm các hội chứng bẩm sinh cho con, đồng thời tối ưu năng lực nhận biết của trẻ.

Hoạt động nhận biết màu sắc vô cùng phong phú bởi màu sắc hiện diện ở bất cứ đâu xung quanh môi trường sống. Bắt đầu với những chiếc treo nôi trắng đen đến bức tranh đầy màu sắc. Cha mẹ có thể giới thiệu và cho con thời gian để ghi nhớ màu sắc, luyện tập tìm kiếm màu sắc được yêu cầu. Khi trẻ đã phân biệt được mọi màu sắc, cha mẹ có thể nâng cao mức độ nhận biết bằng cách sử dụng bảng màu và yêu cầu trẻ sắp xếp theo sắc độ nhạt dần hoặc đậm dần. Hoạt động tô màu, vẽ tranh cũng là hoạt động bổ ích giúp trẻ kích thích trí não sáng tạo nhờ vận dụng khả năng phối màu.

rainbow_ball_-_box_4__2_x_419ec2a10ec34c479d3ae99f7a363295_large

Trong ảnh: Quả bóng sắc màu trong Hộp đồ chơi Cảm Nhận của Kinderlove cho trẻ 6-7 tháng

Khái niệm không gian

Trẻ có thể phân biệt được không gian quen thuộc và không gian xa lạ của mình ngay từ ánh nhìn đầu tiên. Con có thể ghi nhớ vị trí nào để đồ chơi, quần áo được cất gọn trong chiếc tủ, vị trí con ngủ là trên giường hay trong cũi. Việc trẻ ghi nhớ, phân biệt được mỗi một khoảng không gian đó đều cần cha mẹ thực hiện nếp sinh hoạt ngăn nắp, kỷ luật một cách đều đặn. 

Montessori đề cao giáo dục trẻ tự lập trong hoạt động sinh hoạt cá nhân. Cha mẹ nên thường xuyên chỉ dạy và yêu cầu con tự làm những việc vừa sức của con. Con có thể tự thu đồ chơi, tự xách balo, vứt rác vào thùng. Những vận động tay chân không chỉ là vui chơi mà còn là sự tự phục vụ, giáo dục trẻ lối sống và nhân cách đúng đắn. Sự vận động cơ thể không chỉ giúp cơ bắp phát triển mà còn giúp kích thích khả năng tư duy của trẻ. 

Giới thiệu khái niệm không gian con giúp trẻ sớm nhận thức được sự an toàn và nguy hiểm để tự bảo vệ bản thân. Con nhận biết được không gian bếp núc không phải là nơi để vui chơi bởi bếp có thể khiến con bỏng, dao kéo có thể làm con bị thương. Con hiểu rõ bữa ăn của mình sẽ được diễn ra tại bàn ăn thay vì bày bừa trong phòng ngủ gây mất vệ sinh. Khái niệm về các không gian cũng như công dụng của từ nơi sẽ giúp trẻ hình thành lối sống ngăn nắp, khoa học.

Khái niệm giai điệu

Người mẹ nào cũng từng được khuyên rằng hãy nghe nhạc trong thời kỳ mang thai để giúp trẻ phát triển trí não. Dĩ nhiên, việc nghe nhạc vẫn tiếp tục duy trì lợi ích của nó khi trẻ được ra đời. Những giai điệu âm nhạc giúp trẻ kích thích phát triển thính giác cũng như sự sáng tạo của não bộ. Ngoài ra, việc nghe nhạc thường xuyên với âm lượng vừa phải cũng giúp trẻ thư giãn, ổn định cảm xúc. 

Khi trẻ đủ 18 tháng tuổi, trẻ có thể cảm nhận nhịp điệu, cảm xúc vui buồn mà bài nhạc thể hiện và truyền tải điều đó qua biểu cảm của bản thân. Những em bé nhạy cảm với âm nhạc có thể sớm biết nhún nhảy theo điệu nhạc vui, trầm ngâm với những giai điệu buồn. Trẻ có thể vận dụng độ nhạy cảm của thính giác để xác định phương hướng của nguồn phát ra âm thanh. 

Các hoạt động của Montessori rất chú trọng việc kết hợp nhiều giác quan cùng một lúc. Trẻ có thể tạo ra giai điệu qua những giáo cụ như lục lạc, bộ gõ hoặc sự va chạm các vận dụng thường ngày. Quá trình đó đòi hỏi trẻ phải vận động chân tay, cầm nắm đồ vật, quan sát và lắng nghe âm thanh của chúng. Với sự luyện tập các hoạt động tạo ra âm thanh, lắng nghe giai điệu thường xuyên sẽ giúp trẻ phát triển tư duy.

dumbbell_rattle_ea9e0efa57214210a0d2bf37731a0577_large

Trong ảnh: Lục lạc gỗ trong Hộp đồ chơi Kết Nối của Kinderlove cho tháng thứ 3-4

 

Khái niệm hương vị

Trẻ từ 6 tháng sẽ được ăn dặm để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cũng như luyện tập khả năng ăn thô. Lúc này, con sẽ được làm quen với nhiều loại hương vị mới ngoài sữa mẹ hoặc sữa công thức. Trẻ nhỏ biểu hiện rất rõ cảm xúc thích thú khi được nếm thử những hương vị đồ ăn mới ngon lành. Sự kích thích vị giác sẽ đưa tín hiệu lên não bộ, kích thích trẻ tò mò tìm hiểu, đồng thời ghi nhớ thông tin. Không chỉ món ăn mà nhiều đồ vật, sự vật có mùi hương khác cũng sẽ khiến trẻ cảm thấy thú vị.

Trong quá trình thưởng thức những mùi hương, những món ăn mới, cha mẹ hãy giúp con gọi tên những đồ vật, món ăn đó để hỗ trợ con ghi nhớ. Từ những hoạt động đơn giản, cha mẹ có thể có con tự cảm nhận dòng sữa tắm, tự mát-xa cơ thể, vui đùa với bong bóng giúp con ghi nhớ mùi hương. Khi ăn uống, cha mẹ nên để con tự mình trải nghiệm thức ăn, con có thể bốc, dùng thìa hoặc dĩa tuỳ khả năng của con. Cha mẹ nên cho con cơ hội tự mình cảm nhận độ cứng mềm, mùi hương và vị chua, cay, mặn, ngọt của món ăn.

Niềm vui thích với những hương vị khác nhau sẽ kích thích trẻ ghi nhớ dễ dàng hơn, kích thích khả năng tư duy của trẻ.

Khái niệm kích cỡ - trọng lượng

Trẻ nhỏ cần được giới thiệu khái niệm về kích cỡ - trọng lượng. Tuỳ thuộc vào sự vật, hiện tượng tương ứng mà trẻ sẽ sử dụng cách mô tả về dài - ngắn, rộng - hẹp, cao - thấp hoặc nặng - nhẹ. Cụ thể, khi quan sát một sợi dây, trẻ sẽ mô tả nó dài hay ngắn; khi mô tả toà nhà, trẻ sẽ hiểu rằng nên dùng khái niệm cao hay thấp. 

Quá trình luyện tập cách sử dụng từ ngữ diễn tả khái niệm về kích cỡ - trọng lượng đòi hỏi trẻ phải vận động đồng thời nhiều giác quan. Đó là khả năng quan sát của thị giác, khả năng tư duy để lựa chọn ngôn từ phù hợp, truyền tải suy nghĩ thành lời nói, có thể kết hợp cả xúc giác nếu trẻ chạm được vào sự vật. 

Hoạt động Montessori giúp kích thích khả năng tư duy của trẻ về khái niệm kích cỡ - trọng lượng. Trẻ được tự do khám phá mọi sự vật, hiện tượng xung quanh môi trường sống của mình, chủ động lựa chọn điều mình muốn biết và tìm đáp án. Cha mẹ hãy cho trẻ tiếp xúc với nhiều đồ vật, sự vật khác nhau và giúp trẻ gọi tên khái niệm, mô tả những món đồ đó. Theo thời gian, trẻ sẽ dần ghi nhớ rồi tự mình truyền tải những phân tích của bản thân thành lời cho người khác nghe.

l9-cylinder-drop-montessori-toys-toddler_986e0fa093fd4ec485837fae8c8f41b7_grande

Trong ảnh: Hình trụ rơi trong Hộp đồ chơi Thử thách của Kinderlove cho trẻ 20-21 tháng

Khái niệm nóng - lạnh

Trẻ có thể cảm nhận được nhiệt độ từ rất nhỏ, nhưng trẻ chưa thể định nghĩa một cách rõ ràng. Việc trẻ phân biệt được nóng - lạnh có lợi cho sự phát triển xúc giác, khả năng cảm nhận nhiệt độ cũng như ý thức được đâu là an toàn, đâu là nguy hiểm. 

Hoạt động hỗ trợ trẻ phân biệt nóng - lạnh trong Montessori rất đơn giản. Sử dụng những bát nước kim loại đựng nước có nhiệt độ khác nhau. Cha mẹ chú ý nhiệt độ mỗi bát nước chỉ được dao động từ 30 - 45 độ C để đảm bảo trẻ không bị cảm lạnh hoặc bỏng nóng. 

Trẻ sẽ được chạm tay vào nước trong từng bát. Đồng thời, cha mẹ sẽ giới thiệu với con rằng: “Đây là nóng/lạnh”. Khi bắt đầu, trẻ cần phải chạm vào từng bát nước để lắng nghe lời giới thiệu của cha mẹ, lặp đi lặp lại luân phiên. Nếu trẻ dần chán và muốn tự mình khám phá, cha mẹ hãy ngừng lại. Kể cả khi trẻ đưa tay vào cả hai bát nước cùng lúc, trẻ cũng đang tìm hiểu về nóng - lạnh, cảm nhận và tự mình suy nghĩ. Quá trình tự tìm hiểu cũng giúp trẻ phát triển tư duy hiệu quả.

Khái niệm thời gian

Trước hai tuổi, trẻ chỉ hiểu duy nhất một khái niệm về thời gian, đó là “hiện tại”. Nhưng sau đó, cha mẹ có thể giới thiệu với trẻ những khái niệm khác như “hôm qua”, “ngày mai”. Trẻ đã bắt đầu ghi nhớ được những ký ức đã qua. Nếu hôm nay cha mẹ nói với trẻ rằng: “Ngày mai chúng ta sẽ đến lớp, con sẽ được chơi cùng các bạn nhé”. Sau đó, lịch trình diễn ra đúng như lời cha mẹ đã nhắc nhở vài lần trước đó, trẻ sẽ tiếp thu và dần hình thành khái niệm.

Cha mẹ hãy trao đổi với con thật nhiều về những việc đã làm cùng nhau, dự định tiếp theo là gì, kế hoạch ngày mai đi đâu, làm gì. Như vậy, trẻ sẽ hiểu được chuỗi thời gian thông qua trình tự các hoạt động, kích thích bộ não ghi nhớ. Đây là khái niệm cơ bản trẻ cần biết về thời gian. Khi trẻ đủ khả năng giao tiếp với cha mẹ, ghi nhớ các con số, cha mẹ nên giới thiệu và hướng dẫn trẻ xem đồng hồ. Lúc này, trẻ đã được 4-5 tuổi, việc giải đố về giờ giấc sẽ khiến trẻ cảm thấy hứng thú và thử thách. Bộ não được kích thích vận động, đồng thời trẻ được trao cơ hội thể hiện bản thân. 

Việc nhận biết rõ về các khái niệm thời gian cũng hỗ trợ cha mẹ định hướng trẻ sinh hoạt theo thời gian biểu. Một lối sống kỷ luật, tự lập, lành mạnh dành cho trẻ nhỏ là điều mà phương pháp giáo dục sớm Montessori luôn khuyến khích. 

Khái niệm sự so sánh

Khái niệm về sự so sánh được vận dụng trong hầu hết các hoạt động đời sống. Khi trẻ đã hiểu được định nghĩa về kích cỡ, trọng lượng, cha mẹ nên liên hệ đến sự so sánh để nâng cao mức độ tư duy. Nhu cầu hàng ngày của trẻ cũng luôn sử dụng phép so sánh, cha mẹ có thể tận dụng để dạy trẻ nhận biết khái niệm. 

Ví dụ, khi cha mẹ đưa cho con một chiếc bánh, nhưng con muốn được cầm bánh ở cả hai tay, cha mẹ có thể hỏi: “Con muốn nhiều bánh hơn ư?”. Trẻ sẽ hiểu ý muốn đó của mình có nghĩa là muốn nhiều hơn. Hoặc, cha mẹ cho bé cầm một quả chanh và một quả cam, hỏi bé rằng: “Con thấy bên nào nặng hơn?”. Trẻ có thể không giải đáp ngay được, cha mẹ có thể hỗ trợ, nhưng hãy kiên nhẫn để trẻ suy nghĩ một chút trước khi giải đáp. Trẻ cần thời gian để tiếp nhận và xử lý thông tin, điều này kích thích khả năng tư duy của trẻ. 

Cũng như các khái niệm khác, khả năng so sánh các sự vật của trẻ cần được luyện tập nhiều lần. Đồng thời, cha mẹ cũng cần hướng dẫn trẻ thường xuyên để bộ não có đủ thời gian hình thành các liên kết thông tin. Sự đối thoại giữa cha mẹ và con cái luôn luôn cần thiết trong việc nuôi dạy trẻ.

Đồ chơi giáo dục Montessori của Kinderlove - Xếp hình vòng tròn

Trong ảnh: Xếp hình vòng tròn trong Hộp đồ chơi Bập Bẹ của Kinderlove cho bé 12-13 tháng tuổi

Khái niệm thứ tự

Thứ tự đơn giản nhất và trẻ cũng được ghi nhớ sớm nhất chính là trình tự sinh hoạt hàng ngày. Cha mẹ nên duy trì một nề nếp sinh hoạt khoa học, đều đặn nhất có thể để giúp trẻ hình thành lối sống độc lập, ngăn nắp. Đó cũng là điều mà Montessori hướng đến trong việc giáo dục trẻ nhỏ. 

Những đồ chơi, giáo cụ Montessori giúp trẻ phát triển tư duy sắp xếp theo thứ tự rất phổ biến trong thời gian gần đây. Ví dụ về trò chơi tháp gỗ gồm cọc gỗ và nhiều vòng tròn gỗ với kích thước nhỏ dần từ dưới lên trên. Trẻ sẽ quan sát, tìm cách để xếp chồng các vòng gỗ trên cọc đúng thứ tự. Ngoài ra, bộ trò chơi về cách khối gỗ to đến nhỏ được xếp vào các ô tương ứng khớp với kích thước của chúng cũng là hoạt động hiệu quả giúp trẻ làm quen với khái niệm thứ tự.

img_6098x_b0526a099d72423aa258b4c7289a2717_large

Trong ảnh: Xếp vòng lung lay trong Hộp đồ chơi Khám Phá của Kinderlove cho tháng thứ 9-10

Kết

Hành trình kích thích khả năng tư duy của trẻ rất dài và nhiều khó khăn, cần cha mẹ dành nhiều thời gian cũng như lòng kiên trì. Những khái niệm cơ bản trẻ cần biết chỉ là sự khởi đầu nhỏ trên con đường tìm kiếm tri thức của trẻ. Thế nhưng, chúng lại góp phần quan trọng giúp trẻ phát triển tư duy, năng lực phân tích để giải quyết vấn đề. Tuy các khái niệm đơn giản với cha mẹ nhưng với con lại là chân trời mới.

Trẻ chỉ có vỏn vẹn 6 năm đầu đời để hiểu biết và vận dụng thành thạo các khái niệm cơ bản này trong cuộc sống. Có lẽ thời gian vài năm với mười khái niệm này là dài, nhưng nếu cha mẹ không chú tâm thì “giai đoạn vàng” của con sẽ trôi qua chỉ như một lần chớp mắt. 

Trẻ cần cơ hội để học hỏi mọi thứ và cha mẹ là những người thầy gần gũi nhất. Con mong muốn cha mẹ sẽ chỉ dạy cho con trước khi con chập chững tự bước đi trên con đường tìm kiếm những giá trị tri thức.

 

Mọi thông tin liên hệ:

CÔNG TY TNHH KINDERLOVE

Viết bình luận:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: