Làm Thế Nào Để Tăng Sự Chú Ý Và Khả Năng Tập Trung Của Trẻ?


Làm Thế Nào Để Tăng Sự Chú Ý Và Khả Năng Tập Trung Của Trẻ?
Thứ Ba, 27/09/2022 Đăng bởi: Kinderlove

Khoảng thời gian chú ý là khả năng tập trung vào một hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định. Đối với trẻ nhỏ, khoảng thời gian chú ý là khá hạn chế. Trẻ mẫu giáo có khoảng thời gian chú ý khoảng 5 phút. Do vậy, trẻ cần tiếp tục phát triển khả năng tập trung của mình ngay từ những năm đầu đời. Khi bắt đầu đến trường, khả năng tập trung của trẻ có thể tăng lên đến 15 phút, tùy thuộc vào hoạt động mà trẻ đang tham gia.

Theo tiến sĩ Maria Montessori: “Nếu chu kỳ hoạt động của trẻ bị gián đoạn sẽ dẫn đến kết quả là hành vi bị lệch lạc, không có mục đích và khiến trẻ mất hứng thú. Vì vậy, bất kỳ hoạt động nào mà chúng ta chứng kiến trẻ làm, ngay cả khi điều đó có vẻ vô lý, chúng ta cũng không nên can thiệp. Bởi vì trẻ cần được hoàn thành chu kỳ hoạt động mà chúng đang đặt toàn bộ tâm trí vào đó”.

Tại sao cần cải thiện sự chú ý và khả năng tập trung của trẻ?

Trẻ dọc sách

Khả năng tập trung tốt sẽ giúp trẻ hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng, ngay cả chúng ta cũng vậy, chúng ta sẽ chỉ học và tiếp thu được những điều mới mẻ nếu như bản thân có sự tập trung. Từ những việc đơn giản như khi học cách buộc dây giày, học cách viết tên, rửa xe đến việc giải các phương trình đại số phức tạp, chúng ta đều cần có sự tập trung cao độ đối với công việc đang làm. Tiến sĩ Maria Montessori hiểu được sức mạnh của sự tập trung, chính vì thế phương pháp Montessori của bà được thiết kế để nuôi dưỡng khả năng này. Giúp trẻ tăng sự chú ý và khả năng tập trung cũng chính là giúp trẻ phát triển các kỹ năng sống và tích cực tham gia các hoạt động ở trường, lớp.

Tiến sĩ Maria Montessori nhận thấy rằng giai đoạn hình thành sự tập trung cho trẻ bắt đầu từ thời điểm sơ sinh cho đến khoảng 3 tuổi. Bạn hãy đưa cho con của bạn một hình dán sticker, bạn có thể thấy rằng khi con cố gắng lấy chiếc sticker ra khỏi tay này thì nó lại dính vào tay còn lại. Việc chiếc hình dán chuyền qua lại giữa hai tay như vậy sẽ khiến con tò mò và sự thích thú hiện rõ trên khuôn mặt. Có thể bạn lo ngại việc con sẽ cho chiếc hình dán vào miệng, nhưng đừng vội lấy nó ra khỏi tay con. Bạn có thể ngồi gần đó và quan sát con “chơi” với chiếc hình dán cho đến khi độ kết dính giảm bớt - lúc này sự tâp trung của con cũng sẽ kết thúc. Bạn sẽ nhận ra rằng con mình đã dành khoảng 5-10 phút tập trung cao độ cho trải nghiệm mới mẻ này.

Sự chú ý và khả năng tập trung của trẻ nhỏ là một điều rất khó để duy trì. Người lớn thường có suy nghĩ rằng mình cần phải “sửa chữa” mọi thứ để tốt cho con. Bố mẹ luôn nghĩ rằng con khóc có nghĩ là con cần một món đồ chơi mới, hay mếu máo có nghĩa là con cần bố mẹ bế đi chỗ khác. Sự tập trung của trẻ vô hình trung đã bị phá vỡ chính bởi người lớn đã cố gắng chuyển sự tập trung, chú ý của trẻ. Maria Montessori đã từng nói: “Không ai có thể khiến trẻ tập trung bằng cách tác động từ bên ngoài”.

Ban đầu, bạn có thể giúp trẻ tập trung vào nhiệm vụ được giao, nhưng lâu dần, trẻ sẽ phải tự học cách chú ý và tập trung trong thời gian dài hơn. Nếu trẻ học cách tập trung vào các hoạt động từ khi còn nhỏ thì khi lớn lên, trẻ sẽ có khả năng tập trung tốt hơn trong việc học tập cũng như trong các hoạt động khác.

Trong môi trường Montessori, chúng ta cần có một sự tôn trọng đặc biệt dành cho đứa trẻ. Một đứa trẻ hiếm khi bị gián đoạn khi đang tập trung vào công việc của mình. Tất nhiên là sẽ có lúc trẻ phải dừng giữa chừng một hoạt động gì đó. Tuy nhiên, vào những thời điểm này, bạn nên thông báo cho trẻ biết trước. 

Chẳng hạn như: "Gần đến giờ ăn trưa rồi. Chúng ta cần dừng chơi cát và dọn dẹp trong vòng 5 phút". Sau 5 phút, nếu trẻ vẫn chưa dừng, bạn có thể đưa ra một sự lựa chọn: "Con muốn mẹ giúp con dọn dẹp, hay con muốn tự làm?" Hoặc, đưa ra một giải pháp thay thế: "Mẹ biết con đang chơi cát rất vui. Sau bữa trưa và giờ nghỉ trưa, chúng ta có thể ra chơi cát lại" 

Thời buổi công nghệ hiện đại chứa đựng vô vàn những điều thú vị có thể gây xao nhãng khả năng tập trung của trẻ như: trò chơi điện tử, máy tính, truyền hình,... Khi tất cả kết hợp với nhau, chúng có thể tạo ra sự kích thích lớn cho trẻ. Chúng ta cần duy trì một môi trường Montessori tĩnh lặng, có kiểm soát để giảm thiểu những thứ khiến trẻ xao nhãng và quá tải các giác quan cho trẻ. Việc này sẽ thúc đẩy khả năng tập trung của trẻ, giúp chúng có thể phát triển, trở thành những người hạnh phúc và độc lập trong tương lai.

Một số hoạt động giúp tăng sự chú ý và khả năng tập trung của trẻ:

1. Kéo dài thời gian đọc sách 

Trẻ dọc sách

Những đứa trẻ dù còn rất nhỏ cũng đều có sự yêu thích đối với những cuốn sách và những câu chuyện thú vị. Trẻ có thể rất chú tâm vào những cuốn sách có nhiều tranh vẽ và hình ảnh, chúng có thể nghe bạn đọc cùng một câu chuyện ngày này qua ngày khác mà không hề cảm thấy nhàm chán. Trẻ sẽ rất tập trung nếu như được nghe câu chuyện yêu thích, chúng sẽ chú ý đến những bức tranh trong cuốn sách, muốn nói về các nhân vật trong câu chuyện. Ngoài ra, trẻ cũng sẽ chú ý đến những âm thanh bạn đang tạo ra và những biểu hiện trên khuôn mặt của bạn.

Khi đã thu hút được sự chú ý của trẻ, bạn có thể dần dần kéo dài mạch truyện để kéo dài sự tập trung. Bạn có thể thêm thắt những tình tiết để câu chuyện thêm phần hấp dẫn, lôi cuốn, hoặc bạn cũng có thể thu hút trẻ bằng cách đặt những câu hỏi thăm dò về cốt truyện, nhân vật, kết quả và hướng cốt truyện theo suy nghĩ của bé.

2. Làm các hoạt động mà con cảm thấy thích thú 

Đôi khi, cách đơn giản nhất để tăng sự chú ý của trẻ đó là để trẻ làm một hoạt động yêu thích. Nếu trẻ thích chơi với bong bóng xà phòng trong khi tắm, hãy đưa cho bé một số đồ chơi có thể chơi được trong bồn tắm. Không nhất thiết là bạn phải mua những món đồ chơi, hãy thỏa sức sáng tạo. Bạn có thể dùng vài chiếc cốc nhựa và chai lọ trong nhà, tuy nhiên hãy đảm bảo bé sẽ chơi an toàn trong bồn tắm.

3. Tránh đưa điện thoại hoặc máy tính bảng cho trẻ

Tình trạng sử dụng quá nhiều các thiết bị điện tử, kỹ thuật số đã trở thành một vấn đề nhức nhối trên toàn thế giới. Việc xem quá nhiều nội dung trên các thiết bị điện tử được xem là tác nhân gây rối loạn hoạt động của não bộ. Ngay cả người lớn cũng sẽ gặp vấn đề về khả năng tập trung nếu chúng ta dành quá nhiều thời gian cho điện thoại di động. Điều đó có thể dẫn đến rối loạn chu kỳ sinh học của cơ thể, làm giảm sự quan tâm đến các hoạt động sáng tạo bởi sự kích thích quá mức có thể khiến não bộ mệt mỏi.

Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng đưa cho trẻ một chiếc điện thoại di động sẽ thu hút sự chú ý của trẻ trong một khoảng thời gian dài và khiến trẻ không còn quấy khóc. Nhưng họ không ngờ rằng những sự kích thích âm thanh, hình ảnh này lại có tác dụng ngược lại, nó làm trẻ mất hứng thú với bất kỳ hoạt động nào khác và điều này có thể làm cản trở sự tăng trưởng về cả thể chất lẫn trí tuệ của trẻ.

4. Tham gia vào các hoạt động mà trẻ có thể nhận thấy kết quả 

Xếp vòng gỗ - Đồ chơi Montessori của Kinderlove

Trong ảnh: Xếp vòng lung lay trong hộp đồ chơi Khám phá của Kinderlove cho bé 8-9 tháng tuổi

Trẻ nhỏ rất sáng tạo, hãy giao cho con một công việc nào đó để hoàn thành. Chẳng hạn như yêu cầu con xây một tòa tháp nhiều khối, khuyến khích con vẽ trên giấy bằng bút màu hay sơn màu bằng cả bàn tay (tất nhiên là loại sơn có thể giặt sạch). Lưu ý rằng tất cả những hoạt động này đều phải có mục tiêu cụ thể, trẻ phải biết trẻ cần đạt được những gì. Như vậy, trẻ sẽ tập trung vào mục tiêu và thực hiện tất cả các nhiệm vụ cần thiết để hướng tới mục tiêu đó.

Ví dụ, khi trẻ đang tô màu, bạn có thể yêu cầu trẻ sử dụng tất cả các màu của bức tranh cầu vồng đang đặt trước mặt (trẻ không cần phải vẽ đúng chiếc cầu vồng mà chỉ cần sử dụng các màu sắc đó).

Nếu trẻ đang chơi với các khối gỗ, bạn có thể xếp một tòa tháp và yêu cầu trẻ tạo ra một bản sao. Kết quả cuối cùng sẽ như một nguồn động lực giữ cho khả năng tập trung của trẻ kéo dài hơn.

5. Loại bỏ các yếu tố làm trẻ phân tâm 

Nếu không muốn trẻ bị phân tâm, việc đầu tiên bạn cần làm là loại bỏ các yếu tố có thể khiến trẻ bị xao nhãng. Nếu bạn không muốn trẻ sử dụng điện thoại di động, hãy đặt chiếc điện thoài ngoài tầm nhìn của bé, không sử dụng khi ở trước mặt bé hay đặt nó ở nơi mà trẻ sẽ dễ dàng nhìn thấy. Nhất là khi bạn đang muốn thu hút trẻ vào những hoạt động đòi hỏi sự tập trung cao.

Tương tự như vậy, nếu bạn muốn trẻ tập trung xây các khối gỗ, hãy dọn dẹp các đồ chơi khác để trẻ chỉ tập trung vào một hoạt động duy nhất. Hoặc khi bạn đang kể cho bé nghe một câu chuyện, hãy tắt nhạc hay tivi và loại bỏ mọi thứ khác có thể thu hút trẻ, hướng toàn bộ sự chú ý của trẻ vào câu chuyện của bạn.

6. Để trẻ tự mặc quần áo 

Trẻ tự mang giày

Việc mặc quần áo theo đúng thứ tự đòi hỏi sự tập trung, trẻ có thể sẽ mất từ 5-10 phút để mặc quần áo. Nếu trẻ biết rằng mặc quần áo là việc cần làm, trẻ sẽ sẵn sàng làm việc đó. Ngoài ra, nếu thấy những người lớn xung quanh tự mặc quần áo, trẻ sẽ muốn bắt chước và hứng thú với việc tự mặc quần áo dưới sự hướng dẫn của bạn.

Kết luận 

Khi bạn muốn tăng sự chú ý của trẻ, bạn có thể bắt đầu với các hoạt động mà trẻ yêu thích và kéo dài các hoạt động này. Ví dụ, nếu trẻ thích nghe những câu chuyện và bạn thường kể chuyện cho trẻ nghe khoảng 10 phút, bạn có thể kéo dài hành động này thêm 5 phút. Lâu dần bạn hãy tập trung vào những hoạt động khó hơn mà có thể trẻ chưa muốn tham gia. Tuy nhiên nếu như bạn càng huấn luyện trẻ tập trung vào một hoạt động duy nhất, khả năng tập trung của trẻ cũng sẽ ngày một trở nên tốt hơn.

Mọi thông tin liên hệ:

CÔNG TY TNHH KINDERLOVE

Viết bình luận:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: