-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Thứ Hai,
08/01/2024
Đăng bởi: KINDERLOVE
Cha mẹ nên tìm hiểu về khủng hoảng lên hai ở trẻ nhỏ để có thể hỗ trợ tốt nhất giúp con vượt qua giai đoạn này. Sự khủng hoảng này không hẳn là một hiện tượng tiêu cực nến cha mẹ biết cách đối phó với kích động của con mình. Phụ huynh hãy tin rằng đây là một cột mốc con cần vượt qua để phát triển các kỹ năng, hoàn thiện bản thân, học hỏi nhiều bài học mới thay vì sợ hãi nó.
Người lớn cũng có những giai đoạn gặp khủng hoảng về tài chính, khủng hoảng sau những chấn thương tâm lý, bước ngoặt cuộc sống. Trẻ nhỏ cũng vậy, giai đoạn khủng hoảng lên hai đánh dấu bước chuyển của con từ một em bé phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ trở thành một cá nhân có “cái tôi”, có ý muốn, có cảm xúc. Kể cả khi ý muốn đi ngược lại sự đồng ý của cha mẹ, cảm xúc có thể trở nên tiêu cực và kích động, cha mẹ cũng hãy bình tĩnh đồng hành và giúp con giải quyết những điều đó theo hướng tích cực.
Khủng hoảng lên hai là gì? Biểu hiện của trẻ trong giai đoạn khủng hoảng lên hai?
Khủng hoảng lên hai là giai đoạn chuyển biến tâm lý khi trẻ xuất hiện những nhu cầu, mong muốn của riêng mình, thay vì phụ thuộc vào cha mẹ. Trẻ bắt đầu muốn được tự lập, được tự do làm mọi thứ theo ý mình nhưng lại gặp trở ngại trong việc sử dụng ngôn ngữ, kiểm soát cảm xúc. Điều này khiến trẻ thường xuyên cảm thấy ức chế, cáu gắt, biểu hiện bằng những hành động cực đoan như la hét, ăn vạ, đánh, đá, cắn người khác, ném và đập phá đồ đạc.
Trẻ bước vào giai đoạn khủng hoảng lên hai sẽ có những biểu hiện như dưới đây:
Mất kiểm soát cảm xúc và hành vi
Sự bùng nổ cảm xúc dữ dội như tức giận, cáu gắt, tâm trạng buồn vui thất thường là biểu hiện mà nhiều bé thể hiện nhất khi bước vào khủng hoảng. Cha mẹ có thể thường xuyên gặp tình trạng trẻ đang chơi đùa vui vẻ bỗng lăn ra gào khóc ầm ĩ.
Sự bất ổn về cảm xúc là điều hiển nhiên bởi lúc này nhận thức của trẻ đã tốt hơn so với trước một tuổi. Trẻ xuất hiện nhiều cung bậc cảm xúc dữ dội hơn hoặc những cảm xúc mới lạ con chưa từng biết. Sự ập đến cùng lúc bởi lượng lớn những ý muốn và cảm xúc khác nhau khiến trẻ bị quá tải, con căng thẳng nên rất dễ rơi vào tình trạng kích động.
Bên cạnh đó, sự mất kiểm soát cảm xúc khiến trẻ lựa chọn phương thức bạo lực như đánh, đá, cắn, cấu như một cách trút giận. Sự bạo lực này sẽ kết thúc nếu cha mẹ biết cách hướng dẫn con bình tĩnh. Ngược lại, nó sẽ trở thành thói xấu trong quá trình hình thành nhân cách của trẻ.
Thường xuyên nói “không”, thích làm theo ý mình
Đôi khi, cha mẹ sẽ cảm thấy phát cáu vì một số hành vi “quái đản” của con mình. Nếu lúc này cha mẹ nổi giận, trẻ sẽ rất nhanh sao chép lại phản ứng đó và học cách nổi giận với chuyện không vừa ý. Trẻ có nhu cầu khẳng định “cái tôi”, khẳng định quyền tự do được làm theo ý mình nên muốn “ra oai” với cha mẹ.
Sự chống đối bằng cách nói “không” hoặc lăn ra ăn vạ là hàng loạt những phép thử mà trẻ đưa ra để thử thách giới hạn của cha mẹ. Nếu người lớn dễ dàng chiều theo, tình trạng này sẽ càng kéo dài, thậm chí hình thành thói xấu trong nhân cách của trẻ. Nhưng nếu cha mẹ quá cứng nhắc cũng sẽ khiến trẻ phản ứng tiêu cực khép mình lại.
Biếng ăn - Khóc đêm
Sự thôi thúc bản thân học hỏi những kỹ năng mới, khám phá điều mới lạ khiến cho trẻ dường như quên ăn, quên ngủ. Chính vì thế, trẻ có thể biếng ăn hơn, giấc ngủ cũng không còn sâu nữa, trẻ có thể tỉnh dậy giữa đêm để gào khóc, đòi được chơi. Sự quá khích ban ngày do quá vui hoặc quá tức giận cũng ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của trẻ.
Bên cạnh đó, một loạt các nguyên nhân sinh lý khác như mọc răng, sợ hãi xa cách người thân, cai bỉm, cai ti bình cũng ảnh hưởng đến câu chuyện ăn - ngủ của con.
Tính chiếm hữu
Trẻ bước vào giai đoạn khủng hoảng lên hai bắt đầu ý thức mạnh mẽ về khái niệm “của con”. Trẻ có thể không cho phép cha mẹ thực hiện hành vi ôm ấp, bế ẵm các bạn nhỏ khác cho dù lúc đó con đang tự chơi. Trong suy nghĩ của con, cha mẹ là “của con” và chỉ được yêu thương mình con mà thôi. Con muốn mình là trung tâm của tất cả mọi người trong gia đình. Đặc biệt, cha mẹ của các bé ở độ tuổi này sinh thêm em bé, bé sẽ rất dễ nảy sinh sự ghen tị, thậm chí có hành vi làm tổn thương em nếu người lớn cư xử thiếu tế nhị.
Trẻ sẽ chỉ cho phép một số đối tượng con yêu quý được động vào đồ chơi, đồ dùng của con. Sự tranh giành với các bé khác cũng xuất hiện thường xuyên hơn và có thể dẫn đến hành vi bạo lực giữa các bé với nhau.
Phương pháp F.I.T - phát triển cảm xúc lành mạnh cho trẻ
Phương pháp F.I.T là gì?
Các nhà trị liệu ở Trung tâm Giáo dục Xã hội Oregon đã thực hiện thử nghiệm hướng dẫn cho cha mẹ thực hành nói chuyện và lắng nghe trẻ sau mỗi cơn ăn vạ. Họ kết luận rằng phương pháp này có tác dụng với trẻ.
F.I.T là phương pháp trị liệu giúp phát triển cảm xúc lành mạnh, viết tắt của:
- Feeling - Cảm nhận
- Intervening - Can thiệp
- Telling - Nói chuyện
Hiểu một cách đơn giản, cha mẹ sẽ giúp trẻ gọi tên cảm xúc con đang hoặc đã trải qua là gì. Tiếp đó, cha mẹ và con cái cùng trò chuyện với nhau để trẻ có cơ hội bình tĩnh, chia sẻ ý muốn của bản thân, đồng thời cùng nhau đưa ra những cách giải quyết phù hợp để giải quyết vấn đề.
Quá trình thực hành F.I.T sẽ không chỉ diễn ra sau khi trẻ ăn vạ, mà cha mẹ có thể thực hiện mọi thời điểm trong ngày, bất kể cảm xúc của con là tích cực hay tiêu cực, đã bùng nổ hay chưa. Mấu chốt là cha mẹ cần nắm bắt được thời điểm nào có thể bắt đầu tiến hành can thiệp với con, cách truyền đạt thế nào để con có thể hiểu. Bởi khi cảm xúc quá dữ dội, cha mẹ cần cho trẻ không gian an toàn để giải toả ra hết thay vì ép trẻ trò chuyện.
Xem thêm: Sự Phát Triển Não Bộ Của Trẻ
Các bước thực hiện để phát triển cảm xúc lành mạnh cho trẻ
Cụ thể, các bước để cha mẹ thực hiện phát triển cảm xúc lành mạnh cho trẻ được trình bày dưới đây:
Bước 1: Rà soát lại quá trình nuôi dạy con của bản thân xem cha mẹ có đang bị con kiểm soát hay không? Cha mẹ có dung túng con hoặc răn đe quá nghiêm khắc hay không? Cha mẹ có hay thể hiện sự bực bội tức giận hay không? Thời gian ở bên con của cha mẹ đã đủ hay chưa? Điều này sẽ giúp cha mẹ điều chỉnh lại hành vi của bản thân, nhìn nhận tình trạng của con một cách khách quan hơn.
Bước 2: Sau cơn ăn vạ, cha mẹ hãy để con “hạ hoả” và ôm con vào lòng, dựa lưng vào mình. Nếu con phản kháng thì đặt con ngồi xuống trong khi vẫn giữ tư thế dựa lưng, nói với con rằng cha mẹ hiểu con đang cảm thấy như thế nào. Nếu trẻ đang tranh giành và có hành vi làm tổn thương người khác hoặc làm ồn ở nơi công cộng mà người khác cảm thấy bị làm phiền, cha mẹ cần lập tức tách con ra và đưa trẻ sang một không gian khác, giúp con bình tĩnh lại.
Bước 3: Lúc này, cha mẹ nên thay con gọi tên cảm xúc đó, con sẽ ghi nhớ cảm xúc đó là gì. Đồng thời đặt ra giới hạn cho trẻ hiểu rằng hành vi hiện tại là không nên. Kết thúc bằng sự khen ngợi nếu trẻ hợp tác. Ví dụ: “Mẹ biết con đang cảm thấy tức giận, nhưng mà món đồ đó không phải là của con, con chỉ có thể chơi khi bạn ấy đồng ý thôi. Bây giờ con hãy bình tĩnh và chúng ta sẽ đợi về nhà chơi đồ chơi của mình nhé.”
“Con đã bình tĩnh chưa? Mình cùng về nhà và mẹ sẽ cho con thưởng thức món kem nhé!”
Trẻ ở độ tuổi này không hiểu được ý nghĩa của từ “xin lỗi”. Vậy nên việc dạy trẻ nói điều đó một cách máy móc sẽ không mang lại nhiều tác dụng giáo dục với trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn nên dạy con cách nói “cảm ơn” và “xin lỗi”. Bên cạnh đó, cha mẹ giúp con hiểu rõ hơn bằng việc thực hiện hành động. Khi con có lỗi với ai đó, con cần thực hiện một việc để bù đắp cho đối tượng đó, thể hiện sự chân thành hối lỗi, làm hoà.
Ví dụ, khi con và bạn tranh giành đồ chơi, làm tổn thương nhau, đợi con bình tĩnh lại, cha mẹ có thể khích lệ con ôm bạn giảng hoà, nở nụ cười với nhau.
Tương tự, khi con làm được một việc tốt như: kiểm soát được cơn tức giận của mình, cư xử lịch thiệp với bạn bè, giúp đỡ mọi người, cha mẹ hãy khen ngợi để trẻ hiểu được rằng đó là những hành vi tốt được khuyến khích. Con chưa thể tự mình phân biệt hành vi cư xử nên và không nên, bởi vậy sự can thiệp và lý giải của cha mẹ là rất quan trọng.
Kết
Khủng hoảng lên hai không phải là tín hiệu của em bé hư, mà đó là giai đoạn phát triển tự nhiên trên con đường hoàn thiện kỹ năng của trẻ. Cha mẹ hãy là những phụ huynh thông thái, khách quan, hiểu và tin tưởng con, đồng hành cùng con với một thái độ bình tĩnh. Trẻ vẫn luôn cần cha mẹ làm chỗ dựa, nếu cha mẹ kiểm soát tốt hành vi của bản thân mới khiến trẻ cảm thấy an toàn. Câu chuyện chăm sóc và giáo dục trẻ vẫn luôn là hành trình dài mà cha mẹ cùng các con cần đồng lòng vượt qua.
Mọi thông tin liên hệ:
CÔNG TY TNHH KINDERLOVE
Website: https://kinderlove.vn
Zalo: 0334549012
Email: hello@kinderlove.vn
Bài viết khác:
- 8 Phương Pháp Dạy Con Thông Minh Sớm Mà Ba Mẹ Cần Biết
- Chậm nói ở trẻ nhỏ: Nguyên nhân do đâu và cách khắc phục
- Giáo Dục Sớm Là Thế Nào? Ưu Nhược Điểm Bố Mẹ Nên Biết
- Tổng Hợp Các Phương Pháp Giáo Dục Sớm Cho Trẻ Hay Nhất
- Dạy Con Thông Minh Sớm - Phương Pháp Siêu Hay Cho Bố Mẹ
- Giáo Dục Sớm Cho Trẻ - Liệu Có Nên Hay Không?