-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Thứ Hai,
08/01/2024
Đăng bởi: KINDERLOVE
Chức năng vận động là một chức năng hết sức quan trọng đối với con người. Bên cạnh những tác dụng đối với hoạt động thường ngày, sự vận động còn có ảnh hưởng nhất định đến trí lực cũng như sự sáng suốt của con người trong thời gian lâu dài.
Đặc biệt đối với trẻ nhỏ, sự vận động các chi là để hoàn thiện kỹ năng điều khiển cơ thể theo ý muốn của mình, phát triển các kỹ năng vận động thô - tinh kết hợp. Không chỉ vậy, sự phát triển vận động ở trẻ nhỏ còn đóng vai trò hỗ trợ trẻ khám phá cuộc sống xung quanh, thúc đẩy phát triển trí lực.
Những ảnh hưởng của phát triển vận động đến tâm lý trẻ
Sự vận động cơ thể nên xuất phát từ ý muốn bản thân của trẻ, do nội tâm bên trong tự sắp xếp. Đó là sự phát triển dựa trên bản năng tự nhiên của mỗi bé, trẻ biết rõ mình cần phải hoạt động như thế nào và với tốc độ ra sao. Từ đó, các chức năng của tứ chi được phát triển một cách bình thường. Chính vì thế, cha mẹ chỉ cần trao cơ hội và kiên nhẫn chờ đợi trẻ thực hiện lộ trình của mình.
Niềm vui sáng tạo
Khi trẻ thực hiện các hoạt động chạy nhảy, bò trườn trong môi trường thiên nhiên, hoặc có sự hỗ trợ của những dụng cụ khác, trẻ có cơ hội được phát huy tính sáng tạo của mình. Trẻ có thể tự nghĩ ra những cách chơi mới đối với những dụng cụ quen thuộc. Trẻ cũng có thể tận dụng hoàn cảnh xung quanh để sáng tạo ra những trò chơi vui vẻ mà không cần đồ vật hỗ trợ khác, ví dụ: trốn tìm, bịt mắt bắt dê, cảnh sát bắt cướp, v.v…
Trẻ cũng có thể hòa mình với thiên nhiên để tự do vận động, sáng tạo. Những trò chơi nhặt lá và các cánh hoa làm thành bức tranh, dùng sỏi đá để xếp hình giúp phát huy trí tưởng tượng tuyệt vời của con trẻ.
Niềm vui khám phá cơ thể
Cha mẹ luôn rất vui tại những khoảnh khắc lần đầu tiên con biết lẫy, biết trườn rồi bò. Đặc biệt, lần đầu tiên trẻ bước đi là điều vui mừng và xúc động của mọi bậc cha mẹ. Sự vui mừng vốn không chỉ đến từ phía đấng sinh thành, mà bản thân trẻ cũng sẽ thấy rất phấn khích, thích thú với những kỹ năng mới của mình.
Niềm vui khi khám phá ra những điều mà cơ thể mình có thể thực hiện khiến trẻ cảm thấy mới lạ, tự hào. Trẻ có thể nóng vội và cáu gắt trong những lần luyện tập không thành, bất ngờ với bản thân khi hoàn thiện được một kỹ năng vận động. Nếu trẻ có thể biểu đạt bằng lời thì có lẽ trẻ sẽ nói rằng: “Ồ, thì ra đây là đôi chân của mình, nó có thể giúp mình đứng lên”.
Niềm vui chia sẻ - Quan hệ giao tiếp xã hội
Trẻ em là những cá thể có nhu cầu được giao tiếp, trao đổi rất nhiều bởi con cần được luyện tập để hoàn thiện kỹ năng xã hội. Bên cạnh đó, việc chơi đùa chính là bản năng của trẻ. Những hoạt động vui chơi thể chất có sự tương tác với anh chị em, bạn bè sẽ giúp trẻ có cơ hội được sống trong một xã hội thu nhỏ.
Trẻ được trao quyền nói, thể hiện ý muốn cá nhân bằng ngôn ngữ hình thể hoặc lời nói. Trẻ sẽ cần sử dụng những kỹ năng của bản thân để giải quyết vấn đề, đó là kỹ năng quan trọng của con người trong cuộc sống cộng đồng.
Sự kết nối giữa trẻ với mọi người xung quanh sẽ được thiết lập qua những hoạt động tương tác. Nhận thức của trẻ về khái niệm cộng đồng, xã hội và các vấn đề liên quan sẽ dần được hình thành trong quá trình phát triển vận động, bất kể trẻ đã có thể nói được hay chưa.
Niềm vui thể hiện cảm xúc
Mỗi khi những đứa trẻ được chơi đùa, được tham gia các hoạt động thể chất tại trường lớp đều là lúc trẻ được thả lỏng cả cơ thể và tinh thần. Trẻ được giải phóng năng lượng, quên đi những căng thẳng khi cơ thể vận động, tự do cười đùa vui vẻ.
Những cảm hứng được nảy sinh trong quá trình vận động khiến trẻ cảm thấy sảng khoái, tinh thần phấn chấn. Bất kể hoạt động vận động thô hay vận động tinh đều có thể mang đến niềm vui nếu trẻ tự nguyện. Trẻ có thể vui vì nhảy lò cò hết một đoạn dài, cũng có thể cảm thấy tức giận khi tòa tháp mình đang “xây” bị đổ.
Việc trải nghiệm những cảm xúc khác nhau trong quá trình hoạt động thể chất giúp trẻ nhận diện những cảm xúc, được giải toả chúng và cũng học cách kiểm soát chúng.
Có thể bạn quan tâm: Giúp trẻ phát triển cảm xúc
Khẳng định bản thân tự chủ, độc lập
Trẻ nhỏ hình thành “cái tôi” từ rất sớm, thích được tự mình làm thật nhiều việc dù chưa làm tốt. Nếu cha mẹ biết cách cổ vũ, khuyến khích con trong những hoạt động có ích thì trẻ sẽ trở nên tự tin hơn, độc lập hơn trong đời sống.
Mặt khác, nếu cha mẹ luôn đưa ra những rào cản bởi sợ con làm đổ, sợ con bị bẩn thì con sẽ không có cơ hội để học hỏi điều gì hết. Trẻ cũng dần tiếp nhận suy nghĩ rằng mình không thể làm được những việc đó, trẻ tự ti và càng ít dám thể hiện mình. Điều này sẽ ảnh hưởng bất lợi đến quá trình hoàn thiện kỹ năng của con. Khi cha mẹ biết khích lệ con, trẻ sẽ không tự giới hạn bản thân mà trở nên độc lập, bản lĩnh hơn.
Niềm tin rằng con có thể làm được mọi thứ đã tồn tại sẵn trong mỗi đứa trẻ với nhiệm vụ thôi thúc con phát triển và khám phá. Sự tự tin đó càng được củng cố thì trẻ sẽ khơi dậy được động lực lớn hơn.
Làm thế nào để phát huy những ảnh hưởng tích cực của phát triển vận động
Mỗi đứa trẻ bẩm sinh mang trong mình sự hiếu kỳ với thế giới xung quanh khiến trẻ luôn tò mò về cách mà mọi thứ xung quanh. Môi trường và những con người mà trẻ tiếp xúc sẽ mang lại sự hào hứng cho trẻ.
Môi trường phát triển vận động
Cha mẹ cần cung cấp một môi trường có lợi cho sự phát triển vận động của trẻ. Cụ thể, không gian để trẻ vui chơi cần đảm bảo đủ khoảng trống nhất định. Tiếp theo là yếu tố an toàn, để trẻ chơi tự do mà không gặp bất kỳ sự ngăn trở nào từ lo lắng của người lớn thì môi trường đó phải đáp ứng được tiêu chí an toàn.
Cha mẹ cung cấp các dụng cụ hỗ trợ, đồ chơi, vật dụng mà trẻ có thể sử dụng để sáng tạo các trò chơi. Không phải hoạt động nào cũng cần phải có sự hỗ trợ từ các vật dụng. Tuy nhiên sự xuất hiện của những món đồ khiến cho cuộc vui chơi, vận động trở nên thú vị hơn đối với trẻ.
Đi bộ cùng trẻ
Trẻ có được khả năng chạy nhảy, giữ thăng bằng tốt nhờ việc đi bộ. Ngoài ra, hoạt động này cũng giúp tăng cường sự dẻo dai cho đôi chân. Cha mẹ đi bộ cùng con không chỉ giúp cho gia đình rèn luyện sức khỏe mà còn là cơ hội kết nối giữa các thành viên. Đối với trẻ ấu nhi, việc đi bộ còn có ý nghĩa vô cùng lớn khi trẻ thấy mình có thể tự vận động di chuyển thay vì chỉ được “đặt đâu ngồi đấy”, không thể tự di chuyển.
Bên cạnh đó, khi đi bộ, cơ thể sẽ được giải toả những cảm xúc tiêu cực, khiến tinh thần phấn chấn hơn. Điều này có tác dụng với cả cha mẹ và con cái, giúp tâm lý trẻ ổn định hơn trong những thời kỳ khủng hoảng.
Hoạt động thể chất tự do
Hoạt động thể chất tự do bao gồm các hoạt động theo khẩu lệnh và các hoạt động trò chơi tự do.
Với hoạt động theo khẩu lệnh, hoạt động phổ biến nhất là trẻ được xếp hàng ngang, hàng dọc, đi nối đuôi nhau hoặc bước đều “một, hai”. Hoạt động này có thể đi kèm với nhạc hiệu, giúp cho sự hoạt động của hệ tuần hoàn được tốt hơn, cụ thể là hoạt động của tim và phổi.
Các hoạt động trò chơi tự do của trẻ có thể kể đến bịt mắt bắt dê, quăng vòng trúng đích, nhảy bao bố, v.v… Các hoạt động này giúp trẻ tăng cường tính đồng đội, tư duy giải quyết vấn đề, tăng khả năng giao tiếp xã hội.
Luyện tập hít thở sâu
Đây là hoạt động có ích cho hệ hô hấp, hệ tuần hoàn cũng như điều tiết cảm xúc tốt. Đây là hoạt động có lợi cho cả thể chất và tinh thần. Trước khi bắt đầu một hoạt động thể chất, hoặc nghỉ ngơi giữa các hoạt động, trẻ nên được hít thở sâu để khởi động đầu buổi cũng như điều hoà lại cơ thể giữa các cuộc vui chơi.
Luyện tập hít thở sâu mỗi sáng thức dậy có lợi cho việc ổn định tinh thần, giúp trẻ thấy tỉnh táo mỗi khi thức dậy. Hít thở vào buổi tối trước khi đi ngủ lại giúp trẻ ngủ ngon hơn.
Như vậy, sự phát triển vận động có ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của trẻ. Thường xuyên cho trẻ thực hiện các hoạt động thể chất là một biện pháp tốt để trẻ giải tỏa những cảm xúc, ổn định tinh thần cũng như học cách kiểm soát những điều đó. Sự vận động vui chơi có ý nghĩa lớn đối với việc thúc đẩy phát triển trí tuệ, sự sáng tạo và khả năng tiếp thu của trẻ. Cha mẹ cần tích lũy những kiến thức hữu ích để không vô tình làm mất cơ hội được hoàn thiện bản thân của con.
Mọi thông tin liên hệ:
CÔNG TY TNHH KINDERLOVE
Website: https://kinderlove.vn
Zalo: 0334549012
Email: hello@kinderlove.vn
Bài viết khác:
- 8 Phương Pháp Dạy Con Thông Minh Sớm Mà Ba Mẹ Cần Biết
- Chậm nói ở trẻ nhỏ: Nguyên nhân do đâu và cách khắc phục
- Giáo Dục Sớm Là Thế Nào? Ưu Nhược Điểm Bố Mẹ Nên Biết
- Tổng Hợp Các Phương Pháp Giáo Dục Sớm Cho Trẻ Hay Nhất
- Dạy Con Thông Minh Sớm - Phương Pháp Siêu Hay Cho Bố Mẹ
- Giáo Dục Sớm Cho Trẻ - Liệu Có Nên Hay Không?