Chăm Sóc Trẻ Nhỏ Thật Khó - Và Ba Mẹ Có Thể Làm Gì Về Điều Đó


Chăm Sóc Trẻ Nhỏ Thật Khó - Và Ba Mẹ Có Thể Làm Gì Về Điều Đó
Thứ Tư, 12/10/2022 Đăng bởi: Kinderlove

Chăm sóc trẻ nhỏ mới biết đi quả thực rất khó.

Trẻ bốc đồng. Trẻ chạy đi khi chúng ta muốn trẻ mặc quần áo. Trẻ ném đồ đạc. Trẻ không nghe. Trẻ phớt lờ chúng ta trong khi trẻ đang bận rộn làm gì đó mà trẻ đang thích.

Trẻ luôn di chuyển. Trẻ muốn kiểm tra các giới hạn để xem thế giới hoạt động như thế nào. Trẻ muốn kiểm tra giới hạn cơ thể của mình để trở nên mạnh mẽ hơn và có năng lực hơn.

Thật khó vì:

  • Chúng ta phải giữ cho trẻ an toàn. Trẻ muốn trèo lên bàn mà hiểu được những nguy hiểm và tại nạn mà trẻ có thể gặp phải. Làm cách nào để chúng ta có thể hỗ trợ và bảo vệ trẻ mà không quá kiểm soát khả năng di chuyển tự do của trẻ và để trẻ học cách tự xoay sở? Trẻ có thể tự mình leo xuống cái ghế đó không? Chúng ta có thể giúp đỡ trẻ như thế nào?
  • Trẻ nhỏ phụ thuộc vào chúng ta để sống còn. Sẽ mất vài năm trước khi con bạn không cần bạn cung cấp thức ăn, quần áo, chỗ ở và chăm sóc hàng ngày. Ngay cả trong môi trường Montessori, chúng ta cũng cần có mặt để giám sát trẻ 24/7. Điều này giống như một trách nhiệm rất lớn đối với các bậc cha mẹ.
  • Trẻ thường muốn tự lập. Trong 6 năm đầu tiên, đứa trẻ dần trở nên độc lập. Trẻ muốn tự bản thân làm mọi việc và cần xây dựng các kỹ năng để thành công. Điều này có thể trở thành một cuộc chiến giữa việc chúng ta cần phải giữ cho trẻ an toàn và việc trẻ muốn độc lập làm việc.
  • Việc chăm sóc trẻ cả ngày là công việc mà bạn không thấy ngay thành quả. Với những công việc bình thường, chẳng ai muốn đợi vài năm mới thấy được và được thừa nhận thành quả của mình. Nhưng việc nuôi dạy một đứa trẻ lại là như vậy. Sự kiên nhẫn của bạn để ngồi với con khi chúng ăn vạ, sẽ được đền đáp bằng sự tin tưởng trong nhiều năm sau sau này vì chúng nghĩ đến bạn đầu tiên khi chúng gặp khó khăn và cần giúp đỡ. Chúng ta quen với việc được công nhận cho nỗ lực của mình ở trường hay ở công sở, nên việc không nhìn được thành quả ngay lập tức thật là khó khăn.

Xem thêmĐối Mặt Với Wonder Week Hay Tuần Khủng Hoảng Của Trẻ Sơ Sinh

  • Chúng ta thường tự trách bản thân nếu con chúng ta có những hành vi sai trái. Khi con làm điều gì đó sai như đánh hay cắn một đứa trẻ khác, thay vì xem đây là biểu hiện rằng trẻ đang cần giúp đỡ, chúng ta thường tự trách mình đã mắc sai lầm. Khi con không thể ngủ sớm, bạn nghĩ rằng bạn là một người mẹ tồi. Bạn phải luôn nhớ rằng con bạn là một cá thể riêng biệt và bạn chỉ là người hướng dẫn và hỗ trợ con.
  • Chúng ta cảm thấy tội lỗi về mọi thứ… rằng chúng ta không làm đủ / rằng chúng ta đang dành một chút thời gian cho bản thân / rằng chúng ta phải làm việc / rằng chúng ta ở nhà mà con phải đến trường... Mỗi chúng ta đều có nhiều thứ mà chúng ta cần cân bằng trong cuộc sống hàng ngày. Công việc, người thân, bạn bè,…; và trên hết chúng ta có một đứa trẻ cần chúng ta. Vì vậy, nhiều khi chúng ta cảm thấy tội lỗi rằng chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa. Hoặc ta cảm thấy thật tệ khi dành một chút thời gian cho bản thân.
  • Chúng ta không muốn con mình cảm thấy buồn bã hay tức giận. Vì vậy, chúng ta cố gắng hết sức để làm cho trẻ vui vẻ và hạnh phúc. Chúng ta nghĩ rằng việc đặt ra những giới hạn rõ ràng có thể làm trẻ ghét chúng ta. Và rồi khi chúng ta cho trẻ quá nhiều tự do, chúng ta sẽ quát tháo và giận dữ khi trẻ phá vỡ các giới hạn của mình. Người ta nói rằng nếu con đang khó chịu, chúng ta có thể đang kiểm soát chúng quá nhiều. Và nếu chúng ta đang khó chịu, thì con đã quá kiểm soát chúng ta. Nuôi dạy con cái từ vị trí trung lập ở giữa là một trong những lợi ích mà phương pháp Montessori mang lại.
  • Chúng ta so sánh mình với những người khác. Mọi người trên mạng xã hội dường như có cuộc sống hoàn hảo mà bạn không có. Bạn có những đứa trẻ mà chúng có thể hạnh phúc và cười trong một phút và nổi cơn giận dữ trong phút tiếp theo. Nhà bạn thì thật lộn xộn mà bạn không có thời gian dọn dẹp. Bạn thấy như là một người thất bại.  

Thế hệ của chúng ta chỉ đơn giản là muốn có tất cả. Chúng ta muốn trở thành một bậc cha mẹ tuyệt vời, đóng góp một cách có ý nghĩa cho xã hội và tận hưởng cuộc sống của chúng ta bây giờ… không chỉ khi chúng ta nghỉ hưu. Phương pháp Montessori có thể giúp bạn tìm thấy sự bình yên và tĩnh lặng hơn trong cuộc sống với trẻ nhỏ.

Mẹ và bé

Một số lời khuyên cho các ba mẹ Montessori:

  • Đừng tự ái. Trong Montessori, người lớn - giáo viên / cha mẹ / người chăm sóc - là người hướng dẫn trẻ . Trẻ không cố làm bạn bực tức. Trẻ chỉ muốn kiểm tra giới hạn của trẻ hay giới hạn của bạn. Đừng tự trách bản thân vì những vấn đề của con. Hãy là người hỗ trợ con khi cần thiết: “Mẹ thấy con đang gặp khó khăn. Mẹ ở đây nếu con cần giúp đỡ. "
  • Thiết lập không gian 'có'. Trong Montessori, chúng ta gọi đây là môi trường chuẩn bị.

Có ít nhất một khu vực trong nhà để con bạn có thể khám phá một cách tự do và an toàn. Nếu bạn nói “không” với việc trẻ sử dụng các thiết bị điện tử, hãy loại bỏ các thiết bị này ra khỏi không gian 'có'

Ngoài ra, chúng ta có thể sắp xếp nhà cửa để con chúng ta có thể tự lập. Ví dụ, để trẻ có thể tự lấy đồ uống, đến bồn rửa tay để rửa tay, đặt bát và thìa xuống thấp để con có thể lấy chúng một cách độc lập. Chúng ta hãy sắp đặt các đồ chơi ở tầm cao của trẻ để trẻ có thể tự chọn và chơi những hoạt động này.

  • Hiểu rằng trẻ nhỏ có nhu cầu về trật tự. Trong Montessori, chúng ta gọi đây là thời kỳ nhạy cảm đối với trật tự .

Trẻ thích mọi thứ trở thành thói quen giống nhau hàng ngày và được thực hiện theo cùng một cách. Điều này thậm chí có thể có nghĩa là trẻ muốn cùng một chiếc thìa cho bữa sáng mỗi ngày. Khi hiểu được điều này, chúng ta có thể làm cho mọi thứ bớt khó khăn hơn bằng cách chủ yếu làm mọi thứ giống nhau hằng ngày; hoặc giải thích cho trẻ tại sao chúng ta phải thay đổi.

  • Xem con bạn là duy nhất. Trong Montessori, chúng ta gọi điều này là theo dõi đứa trẻ. Điều này giúp chúng ta ngừng so sánh con với những đứa trẻ khác và so sánh với những gì mà mọi người thường cho là ‘tiêu chuẩn'. Thay vào đó, chúng ta hãy để cho con mình phát triển theo những cột mốc của riêng chúng, theo tốc độ của riêng chúng, với sở thích riêng của chúng. Điều này có nghĩa là chúng ta chấp nhận con mình đúng với con người của chúng. Chỉ tham khảo thông tin và áp dụng cho con dựa theo quan sát và cảm nhận của bạn. Bạn có thể nhận trợ giúp nếu con bạn gặp khó khăn trong một lĩnh vực nào đó, chẳng hạn như giao tiếp bằng lời nói.
  • Chăm sóc chính mình. Trong Montessori, đây cũng là một phần trong quá trình chuẩn bị của người lớn .

Nếu chúng ta mệt mỏi hoặc đau ốm, chúng ta không thể chăm sóc con cái một cách bình tĩnh. Vì vậy, đừng cảm thấy tội lỗi nếu bạn dành thời gian chăm sóc bản thân, có thể là đi tắm lâu hơn vào buổi tối hay dành thời gian gặp gỡ bạn bè. Hoặc là có thể trong cả ngày chăm sóc con, hãy uống một tách trà bạn thích, đi ra ngoài trời với con để giúp cả hai thấy thoải mái.

  • Cho con bạn tham gia vào các hoạt động hàng ngày của bạn. Thay vì cảm thấy như chúng ta cần chơi với con mình cả ngày, trong Montessori chúng ta cho trẻ tham gia vào cuộc sống thực tế .

Đây là những công việc chúng ta làm xung quanh nhà hàng ngày, từ chuẩn bị thức ăn đến dọn dẹp đến đi siêu thị mua đồ ăn hoặc chuẩn bị cho khách đến thăm. Trẻ luôn thích đóng góp và tham gia vào các hoạt động cuộc sống hàng ngày này. Hãy cho con làm một số “công việc nhà” phù hợp với lứa tuổi.

  • Luôn nhớ đây là một quá trình dài hạn. Việc nuôi dạy một đứa trẻ không phải một sớm một chiều. Trên thực tế, theo phương pháp Montessori, chúng ta thường gieo mầm cho những gì chúng ta sẽ chỉ thấy chúng phát triển sau này trong cuộc đời của chúng.

Thay vì đưa cho trẻ một phần thưởng mỗi lần trẻ làm tốt như một sự hối lộ, theo Montessori, chúng ta cần dạy trẻ cách tự công nhận nỗ lực của bản thân mình. Thay vì phạt trẻ ngồi một góc hay đứng quay vào tường, theo Montessori, chúng ta giúp chúng trẻ học cách lấy lại bình tĩnh và sửa sai lầm.

Những khó khăn khi chăm sóc con nhỏ và những đêm mất ngủ sẽ không kéo dài mãi mãi . Hy vọng bài viết này giúp bạn quay trở lại với cách nuôi dạy con cái đơn giản hơn, nơi bạn có thể trút bỏ phần nào cảm giác tội lỗi, trong khi vẫn nuôi dạy những đứa con ham học hỏi và có trách nhiệm.

Mọi thông tin liên hệ:

CÔNG TY TNHH KINDERLOVE

Viết bình luận:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: