Môi Trường Ảnh Hưởng Như Thế Nào Đến Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Của Trẻ?


Môi Trường Ảnh Hưởng Như Thế Nào Đến Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Của Trẻ?
Thứ Hai, 08/01/2024 Đăng bởi: KINDERLOVE

Khi một em bé được sinh ra, cha mẹ sẽ để tâm nhất đến vấn đề sức khỏe, mỗi bữa ăn, giấc ngủ của con. Khi lớn hơn, cha mẹ sẽ để ý đến vấn đề phát triển kỹ năng vận động của con như: lẫy, trườn bò, tập đi… Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ rất quan trọng, nhưng dường như việc này lại ít được chú trọng. Không phủ nhận rằng trong xã hội hiện đại này, các bậc cha mẹ trở nên thông thái hơn, biết mình nên làm gì để con có thể phát triển tích cực nhất. Nhưng trái lại, những phụ huynh chủ quan, coi nhẹ việc phát triển ngôn ngữ cho con cũng không phải ít. Họ tin rằng sớm muộn con mình cũng sẽ biết nói, bởi đó là quá trình tự phát, không cần bận tâm. Đây là một quan niệm sai lầm khiến nhiều em bé chịu thiệt thòi.

Ngày nay, khi cuộc sống mưu sinh ngày càng khiến cha mẹ bận rộn, trẻ rất dễ bị bỏ quên bên các thiết bị điện tử, những bộ phim hoạt hình, trò chơi ảo. Để rồi đến một thời điểm, cha mẹ bỗng nhận ra con mình dần trở nên “đặc biệt” hơn, trẻ ít nói hoặc không nói, trầm buồn hoặc dễ kích động. 

Lúc này, những biện pháp can thiệp đã trở nên phức tạp, tiêu tốn nhiều công sức, tiền bạc và thời gian. Mặt khác, những tổn thương do thiếu hụt khả năng sử dụng ngôn ngữ, bất lực trong giao tiếp với cha mẹ cũng lớn dần trong trẻ. Không có bậc phụ huynh nào mong muốn con mình rơi vào hoàn cảnh đó, nhưng việc thiếu hiểu biết về sự phát triển ngôn ngữ của trẻ sẽ khiến cha mẹ vô tình bỏ qua những cơ hội để con được nói.

Những yếu tố môi trường nào ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ?

Các yếu tố môi trường được chia làm hai loại, bao gồm: yếu tố có lợi và yếu tố bất lợi. Dĩ nhiên rằng mọi phụ huynh đều sẽ cố gắng phát huy những điều có lợi, đồng thời hạn chế những điều bất lợi để trẻ được phát triển tốt nhất có thể.

Yếu tố có lợi

1. Trẻ cần được nghe thấy những điều mình đang nghĩ tới.

Thẻ ảnh cảm nhận - Đồ chơi giáo dục Kinderlove

Trong ảnh: Thẻ ảnh cảm nhận trong hộp đồ chơi Cảm Nhận của Kinderlove cho bé 4-5 tháng tuổi

Trung tâm Bethel Hearing & Speaking Training đã đưa ra nghiên cứu chứng minh rằng, trẻ sẽ ghi nhớ tốt hơn với những từ ngữ nói về điều trẻ đang quan tâm. Cha mẹ có thể quan sát để tìm hiểu điều này rõ hơn khi ghi lại những từ đơn đầu tiên mà trẻ nói được. Trí nhớ của trẻ có tính chọn lọc, bởi vậy mà phụ huynh cảm thấy mình đã nói với con rất nhiều điều, nhưng dường như con không học được từ ngữ nào. Ngược lại, ở một thời điểm khác thật bất ngờ, cha mẹ lại có thể nghe được trẻ gọi tên chính xác một món đồ, một món ăn, một con vật nào đó.

Khi trẻ bắt đầu tập nói, trẻ sẽ học cách gọi “ba”, “mẹ”, “bà” bởi đó là những người thân gần gũi nhất và trẻ cần người thân ở bên cạnh mình. Trẻ biết bập bẹ “măm măm” để thể hiện nhu cầu muốn ăn uống. Có trẻ thích được bế ẵm sẽ biết nói từ “bế” trước, trẻ thích được đi chơi sẽ học cách nói “đi đi”. Chính vì thế, cha mẹ có thể tận dụng điều này, quan tâm đến những điều trẻ mong muốn, đồ chơi mà con thích, sự vật mà con thấy hứng thú để lựa chọn từ ngữ truyền đạt cho trẻ. 

Quan trọng hơn, cha mẹ cần kiên nhẫn nhắc đi nhắc lại với con những từ ngữ đó mỗi ngày để con dần ghi nhớ. Điều này sẽ giúp tăng vốn từ của trẻ một cách tự nhiên, vừa học vừa chơi khiến trẻ không cảm thấy buồn chán. 

2. Sự giao tiếp hiệu quả là khi con tự mình nói lên nhu cầu

Điều này có thể khiến nhiều phụ huynh cảm thấy “xót” con một chút, kể từ khi trẻ một tuổi, cha mẹ không nên đáp ứng trẻ ngay thời điểm trẻ đưa ra yêu cầu. Cha mẹ hãy giúp con thể hiện nhu cầu đó bằng ngôn ngữ và hướng dẫn con nhắc lại. Trẻ sẽ không thể nhắc lại chính xác ngay từ lần đầu, nhưng cha mẹ sẽ nhận thấy con cố gắng bập bẹ để nói theo. Điều phụ huynh cần là hãy khéo léo và linh hoạt trong cách hướng dẫn, thể hiện cảm xúc tích cực, ngữ điệu vui vẻ để trẻ cảm thấy được khích lệ. Khi nhìn thấy sự nỗ lực của con, cha mẹ hãy khen ngợi cũng như đáp ứng điều con muốn.

Phụ huynh không nên đặt kỳ vọng quá cao rằng trẻ sẽ cho thấy một kết quả hoàn hảo chỉ sau một vài lần thực hành. Con có thể sẽ không hợp tác, không phát âm, nhưng nếu trẻ dùng ánh mắt chăm chú quan sát khẩu hình của cha mẹ thì trẻ đã đang học rồi. Trường hợp trẻ không chịu quan sát, không chịu phát âm, cha mẹ cần khuyến khích con lại lần nữa, hoặc đổi cách khác thu hút hơn thay vì dễ dàng bỏ cuộc và đáp ứng con. Việc học ngôn ngữ là một quá trình dài, sự kiên nhẫn của cha mẹ đối với trẻ sẽ giúp mang lại trái ngọt.

3. “Học đi đôi với hành” - Trẻ cũng cần có bạn bè

Trẻ cùng học

Khi trẻ đã học được một lượng vốn từ nhất định không có nghĩa là trẻ đã biết thể hiện mọi thứ bằng ngôn ngữ. Nếu những kiến thức ấy không được thực hành nhiều lần, mọi thứ sẽ trở nên phai mờ theo thời gian. Bởi vậy, cha mẹ cần tạo điều kiện để con có nhiều cơ hội thực hành giao tiếp, đối tượng sẽ không dừng lại ở người thân trong gia đình nữa, mà là bạn bè đồng trang lứa. 

Khi những đứa trẻ giao tiếp với nhau, chúng sẽ không mang trong mình mong muốn đáp ứng nhu cầu của nhau như khi cha mẹ giao tiếp với con cái. Mỗi em bé sẽ chỉ chú ý đến ý muốn cá nhân của mình. Chính vì thế, các bé đều cần cố gắng để truyền tải thông điệp của mình đến bạn bè, đồng nghĩa với việc trẻ sẽ phải thực hành sử dụng ngôn ngữ nhiều hơn. Theo đó, sự phát triển ngôn ngữ của trẻ sẽ ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Phụ huynh có thể quan sát cách mà các bé chưa biết nói giao tiếp với nhau, trẻ hoàn toàn có thể hiểu ý nhau kể cả khi chỉ nghe đối phương “ê”, “a” kèm theo các cử chỉ hình thể. Khi trẻ lớn dần, những điều trẻ cần được nói ra cũng tăng lên. Nếu trẻ được tiếp xúc với bạn bè thường xuyên thì tốc độ phát triển ngôn ngữ cũng tăng theo. Nhiều cha mẹ có con được đi nhà trẻ trong độ tuổi tập nói đã cảm nhận được sự tiến triển tích cực của con mình sau một thời gian ngắn.

Yếu tố bất lợi

1. Lạm dụng các thiết bị nghe nhìn

Cha mẹ không còn xa lạ với việc trên báo đài, các trang mạng đăng tải những tin tức nhiều trẻ em bị tự kỷ sau một thời gian dài sử dụng điện thoại, tivi, ipad. Mặt trái của quá trình phát triển công nghệ thông tin là chúng trở thành phương tiện dỗ dành con trẻ thay cho những cha mẹ bận rộn. Không có ai đảm bảo được rằng lợi ích của những thiết bị điện tử đối với trẻ là nhiều hay ít, nhưng tác hại của việc lạm dụng thiết bị đó lại trở nên rất rõ ràng. 

Đầu tiên, thị giác của trẻ khi tiếp xúc nhiều với màn hình điện tử sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, gây nên các tật thị giác, thậm chí có có trường hợp trẻ gần như mù lòa. Tiếp đó, khi trẻ xem những nội dung trên các thiết bị này, trẻ chỉ có thể nghe và nhìn mà không phải thực hành khả năng giao tiếp qua ngôn từ. Thời gian lâu dần, sự thiếu hụt vốn từ có thể dẫn đến việc trẻ bất lực trong việc sử dụng ngôn ngữ, trẻ sẽ càng lười nói chuyện. Tình trạng này diễn biến trầm trọng khiến trẻ bị rối loạn ngôn ngữ, mắc chứng tự kỷ, trầm cảm cũng như các chứng bệnh tâm lý khác.

Trẻ chơi thiết bị điện tử

2. Thay đổi môi trường quá nhiều

Việc thay đổi môi trường sống hoặc môi trường lớp học quá thường xuyên có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Khi trẻ đã quen thuộc với những con người, với hoàn cảnh sống hiện tại, trẻ sẽ không muốn rời xa những điều quen thuộc ấy. Thay đổi môi trường sống khiến trẻ bị ngắt sự kết nối với xung quanh, tuỳ vào mỗi trẻ mà thời gian để gây dựng lại những kết nối ấy với môi trường mới sẽ dài hay ngắn. 

Các hoạt động phát triển ngôn ngữ cho trẻ cũng bị gián đoạn bởi trẻ cần thời gian thích nghi từ đầu với môi trường mới. Nếu có thể, cha mẹ hãy hạn chế sự thay đổi môi trường xung quanh con quá thường xuyên. Trong trường hợp bất khả kháng, cha mẹ cần dành thời gian cho con nhiều hơn để trẻ cảm thấy an toàn và có động lực hòa nhập hơn.

3. Sự không thống nhất trong ngôn ngữ

Sự không thống nhất này không đến từ việc trẻ được tiếp xúc với bao nhiêu ngôn ngữ, mà là mỗi người tiếp xúc với trẻ chỉ nên sử dụng một ngôn ngữ từ đầu cho đến khi trẻ đủ lớn. Cụ thể, nếu cha và mẹ sử dụng hai loại ngôn ngữ khác nhau cũng không làm khó được trẻ. Tuy nhiên, nếu một người mẹ lúc thì nói tiếng miền Nam, lúc nói tiếng miền Bắc, hoặc lúc nói tiếng Anh, lúc nói tiếng Việt sẽ khiến trẻ bị rối loạn.

Trong những gia đình người Việt sống tại nước ngoài, nếu họ mong muốn con mình không quên tiếng mẹ đẻ, họ sẽ để con sử dụng ngoại ngữ ở trường học, môi trường công cộng, còn ở nhà, toàn bộ gia đình sẽ nói tiếng Việt mọi lúc. Trường hợp khác, cha mẹ có thể cho con học trường quốc tế sử dụng hoàn toàn ngôn ngữ Tiếng Anh, nhưng con sẽ chỉ được sử dụng tiếng Việt khi ở nhà. 

Đó là lý do vì sao có những trẻ sử dụng thành thạo song song nhiều thứ tiếng, nhưng cũng có trẻ bị rối loạn ngôn ngữ sau khi cha mẹ quyết định dạy con ngôn ngữ thứ hai.

Các hoạt động phát triển ngôn ngữ cho trẻ tại nhà

Trong ảnh: Bộ sách song ngữ Việt-Anh của Kinderlove

Trong ảnh: Bộ sách song ngữ Việt-Anh của Kinderlove

Kinderlove gợi ý cho các phụ huynh một số hoạt động cụ thể hỗ trợ sự phát triển ngôn ngữ cho trẻ dưới đây:

  • Tận dụng “giai đoạn vàng” 0-3 tuổi để phát triển khả năng ngôn ngữ cũng như giao tiếp cho trẻ ngay từ những năm đầu đời.
  • Cha mẹ thường xuyên nói chuyện với trẻ về mọi điều đang diễn ra. Điều này giúp trẻ tăng thêm vốn từ một cách hiệu quả.
  • Cùng trẻ thực hiện các hoạt động: hát, đọc sách, đọc thơ, chơi trò chơi đóng vai để kích thích trẻ luyện tập nhiều với việc sử dụng ngôn ngữ.
  • Tham gia nhiều hoạt động vui chơi trải nghiệm, vận động phối hợp các cơ quan sẽ giúp trẻ kích thích khả năng tư duy, nâng cao khả năng ghi nhớ ngôn ngữ.
  • Cha mẹ nên tạo cơ hội để con được tiếp xúc với nhiều người, đa dạng độ tuổi, giới tính. Ví dụ như: đến lớp mẫu giáo; đi thăm nhà người thân, bạn bè; đi chơi công viên… Việc này tạo điều kiện cho trẻ được luyện tập kỹ năng sử dụng ngôn ngữ của mình nhiều hơn.
  • Lắng nghe trẻ cũng là điều nên làm: Cha mẹ hãy hỏi trẻ về những điều con được trải qua, được học, hoặc đơn giản là cảm nhận của con để trẻ có cơ hội được nói. Ngoài việc trẻ được thực hành hoạt động phát triển ngôn ngữ, sự kết nối giữa cha mẹ và con cái cũng được bền chặt hơn thông qua đối thoại thường xuyên.
  • Chọn lọc ngôn từ tích cực để giao tiếp khi có mặt trẻ, bởi trẻ có khả năng bắt chước rất nhanh. Việc sử dụng ngôn từ không lành mạnh sẽ là sự giáo dục đầy tiêu cực đối với trẻ.

Đến đây, có lẽ cha mẹ đã hiểu được môi trường có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Việc tạo dựng một môi trường phát huy đầy đủ những yếu tố có lợi sẽ là những hạt mầm tốt để trẻ được nuôi dưỡng “cây ngôn ngữ” khoẻ mạnh, xanh tươi. Sự kiên trì, nhẫn nại của cha mẹ khi thực hiện các hoạt động phát triển ngôn ngữ cho trẻ một cách đều đặn sẽ sớm mang lại quả ngọt, góp phần xây dựng một thế hệ mầm non đất nước triển vọng.

Mọi thông tin liên hệ:

CÔNG TY TNHH KINDERLOVE

Viết bình luận:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: