-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Thứ Hai,
08/01/2024
Đăng bởi: KINDERLOVE
Mỗi em bé sẽ lựa chọn thời điểm và tốc độ phát triển kỹ năng ngôn ngữ của riêng mình. Cha mẹ không thể gượng ép con, cũng không nên chỉ trông chờ vào sự tự phát của trẻ. Việc giới thiệu cho trẻ những từ vựng mới, nói chuyện cùng con để trẻ học thêm những mẫu câu sẽ kích thích nhu cầu nói của trẻ.
Nhu cầu giao tiếp đã xuất hiện trong con từ trước khi các kỹ năng được hình thành. Nếu cha mẹ chờ đợi trẻ tự biết nói thì trẻ sẽ không có được sự định hướng trong việc sử dụng ngôn từ, khó khăn khi diễn đạt ý muốn. Khi trẻ trưởng thành, khả năng giao tiếp kém hiệu quả sẽ khiến con tự ti, cản trở con thể hiện bản thân. Chính vì thế, cha mẹ nên thực hiện phương thức tác động tích cực càng sớm càng tốt để trẻ hoàn thiện kỹ năng giao tiếp hiệu quả nhất.
Phương thức trao đổi phù hợp với trẻ là gì? Phương thức trao đổi của cha mẹ đối với con cái sẽ tác động như thế nào đến trẻ?
PHÂN LOẠI PHƯƠNG THỨC TRAO ĐỔI CỦA CHA MẸ ĐỐI VỚI CON CÁI
Phong cách bảo mẫu
Cha mẹ có phương thức trao đổi với con cái theo phong cách bảo mẫu là những người luôn tìm cách hiểu và đáp ứng nhu cầu của con nhanh nhất có thể. Họ không cần trẻ phải mở lời yêu cầu, trẻ chỉ cần một cử chỉ nhỏ là cha mẹ đã đoán ra con cần gì. Xuất phát từ tấm lòng yêu thương con đến mức luôn lo sợ con thiếu thốn, buồn tủi, vậy nên cha mẹ luôn có xu hướng “cơm bưng, nước rót” tận miệng cho trẻ.
Phương thức này khiến trẻ không cần sử dụng kỹ năng nói của mình để biểu đạt yêu cầu. Đồng thời, trẻ sẽ hình thành thói quen chờ đợi người khác đáp ứng điều mình muốn thay vì chủ động giải quyết vấn đề. Khi con càng trở nên thụ động, không chịu giao tiếp, cha mẹ càng lo lắng, hành vi bao bọc càng chặt chẽ hơn. Điều này khiến cha mẹ rơi vào vòng luẩn quẩn bế tắc trên con đường tìm hiểu và giáo dục con.
Trẻ không có cơ hội được giao tiếp do con chỉ là em bé được nhận sự chăm sóc một cách thụ động. Theo đó, khả năng giao tiếp của trẻ sẽ không có cơ hội phát huy, vốn từ không có cơ hội tích lũy khiến trẻ gặp khó khăn trong quá trình diễn đạt bằng ngôn từ khi lớn lên.
Phong cách giáo viên
Phương thức trao đổi của cha mẹ đối với con cái theo phong cách giáo viên chính là sự giao tiếp giữa một bên dạy dỗ và một bên học tập. Sự tương tác giữa cha mẹ và con cái trở nên cứng nhắc bởi cha mẹ ỷ lại quá nhiều nguyên tắc, đạo lý, hiểu biết “máy móc”, kém linh hoạt.
Trẻ có thể sử dụng bộ đồ chơi xếp hình để bày bừa trên sàn nhà, đồng thời dùng trái cây hoặc những hộp giấy để xây một ngọn tháp trong tưởng tượng. Lúc này, cha mẹ yêu cầu trẻ hãy dùng những khối xếp hình để xây tháp và cất mọi đồ vật khác đi. Điều này đã thể hiện rõ tư duy mang tính gò ép của cha mẹ, rằng chỉ có thể sử dụng đồ chơi xếp hình để xây tháp.
Trẻ cần được nuôi dưỡng sự sáng tạo một cách tự nhiên mà vẫn đảm bảo an toàn. Nếu những chiếc hộp giấy và một vài trái cây nhỏ không thể làm trẻ bị thương, lý do gì khiến phụ huynh phải ngăn cản con sử dụng chúng? Ủng hộ trẻ làm những hoạt động lành mạnh mà trẻ yêu thích là cơ hội tốt để cha mẹ và con cái có thể kết nối, hiểu nhau hơn, tạo ra cảm xúc tích cực.
Cha mẹ theo phong cách trao đổi kiểu giáo viên thường mang trong mình những kỳ vọng về con cái. Bởi vậy, họ sẽ muốn con cái nói năng, hành xử theo cách họ mong muốn, thường xuyên kiểm tra những gì mình đã truyền đạt trước đó để xem con đã ghi nhớ hay chưa. Sự áp đặt trong cách trao đổi của cha mẹ khiến trẻ dần trở nên e dè trong giao tiếp, khép mình hơn khi cần chia sẻ. Tất nhiên rằng điều này cũng tác động kéo dài khoảng cách giữa cha mẹ và con cái hơn nữa khi trẻ trưởng thành.
Phong cách đơn phương
Có những cha mẹ tự hỏi tại sao họ đã nói chuyện với con rất nhiều, thế nhưng trẻ lại không chịu tương tác lại? Đó là do cha mẹ đã nói quá nhiều, đến mức trẻ không kịp tiếp thu và xử lý lượng thông tin mà cha mẹ đưa ra với mình. Do đó, con không có cơ hội để được nói ra những điều con nghĩ, thậm chí con không có hứng thú với điều cha mẹ nói và hoàn toàn bỏ ngoài tai.
Trẻ thường ghi nhớ từ ngữ liên quan đến những điều thân thuộc hoặc cảm thấy hứng thú. Bởi vậy, cha mẹ nên nói với con về chủ đề mà con thích, nhưng đừng nói quá nhiều mà hãy để trẻ có khoảng lặng để tư duy. Mỗi ngày, rất nhiều điều được trẻ tưởng tượng, suy ngẫm trong bộ não mà người lớn không thể biết hết được. Việc cha mẹ nói quá nhiều có thể làm gián đoạn mạch suy nghĩ của trẻ, khiến con gặp khó khăn trong vấn đề ghi nhớ và áp dụng.
Việc cha mẹ tự hỏi và trả lời ngay lập tức không giúp con học được điều gì mới, trẻ sẽ xem lời nói của cha mẹ giống những tiếng ồn khác xung quanh môi trường sống của con. Như vậy, việc trao đổi thông tin của cha mẹ đối với con cái sẽ chẳng còn hiệu quả nữa. Khi cha mẹ đặt câu hỏi, hãy cho con thời gian để tự mình tìm đáp án, con sẽ trả lời vào thời điểm con sẵn sàng. Mỗi lần con được tương tác theo cách đó, con được vận động trí não, học hỏi thêm những kiến thức mới mẻ.
Phong cách bạn bè
Đây là phong cách giao tiếp lý tưởng mà cha mẹ nên sử dụng để đối thoại với con cái. Những đứa trẻ trao đổi thông tin với nhau trên tinh thần bình đẳng, bởi vậy mà trẻ luôn cố gắng để có thể diễn đạt ý muốn của mình. Trẻ vừa được lắng nghe, vừa được tự mình nói và đủ hiểu nhau để không cảm thấy hành vi của đối phương thật kỳ lạ.
Giữa bạn bè, trẻ không cảm thấy có điều gì “sai” khi dùng những hộp giấy để xây lâu đài hay dùng những miếng xếp hình để làm thức ăn. Trẻ cũng không đáp ứng nhu cầu của nhau chỉ bởi một cái liếc mắt về phía cốc nước. Chính vì thế, khi đóng vai trò như những người bạn, cha mẹ đã trao cho con cơ hội được giao tiếp một cách bình đẳng.
Phương thức trao đổi theo phong cách bạn bè giúp cha mẹ phát huy khả năng tương tác của con tốt hơn. Cả cha mẹ và con cái đều có thể tìm hiểu và đáp ứng nhu cầu của đối phương thay vì một bên chỉ cho đi, một bên chỉ nhận lại; hoặc một bên chỉ dạy dỗ, một bên chỉ học tập. Sự lắng nghe và quyền lợi được nói sẽ đến từ cả hai chiều giúp kết nối giữa cha mẹ và con trẻ trở nên bền chặt. Đồng thời, trẻ được hình thành lối giao tiếp văn minh ngay từ tấm bé cho đến khi trưởng thành.
PHƯƠNG THỨC TRAO ĐỔI PHÙ HỢP VỚI TRẺ LÀ GÌ? PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC NÀO HỖ TRỢ CHA MẸ THỰC HÀNH THEO PHƯƠNG THỨC TRAO ĐỔI ĐÓ?
Như đã phân tích ở trên, cha mẹ có thể dễ dàng lựa chọn được phương thức trao đổi phù hợp với trẻ, chính là phương thức theo phong cách bạn bè. Tuy nhiên, với vị thế là cha mẹ, lớn hơn trẻ về mọi mặt, không phải lúc nào cha mẹ cũng duy trì được mối quan hệ bạn bè với con của mình.
Có một phương pháp giáo dục sớm cho trẻ từ 0-6 tuổi mang triết lý nhân văn tôn trọng trẻ nhỏ, lấy trẻ làm trung tâm, rất phù hợp với việc cha mẹ mong muốn làm bạn với con cái, đó là phương pháp Montessori. Trong thời buổi thông tin phát triển như ngày nay, không khó để cha mẹ biết đến phương pháp giáo dục Montessori. Các trường mầm non áp dụng phương pháp này làm chủ đạo trong giáo dục trẻ nhỏ cũng trở nên phổ biến.
Montessori là phương pháp giáo dục được sáng lập bởi nữ bác sĩ người Ý tên là Maria Montessori (1870-1952). Phương pháp giáo dục trẻ thông qua những giáo cụ trực quan giúp hỗ trợ trẻ phát triển những tiềm năng sâu bên trong; hoàn thiện các kỹ năng thể chất, tư duy; đồng thời hình thành nhân cách tốt đẹp, lối sống ngăn nắp. Quá trình giáo dục trẻ theo phương pháp này đề cao sự tự do của trẻ nhưng vẫn đề ra những giới hạn kỷ luật.
Cha mẹ cũng như giáo viên sẽ chỉ là những người đồng hành để hướng dẫn trẻ trong các hoạt động. Trẻ được tự mình quyết định tốc độ phát triển, lựa chọn kỹ năng mình muốn hoàn thiện trước, chủ động khám phá bản thân và thế giới xung quanh. Như vậy, việc cha mẹ muốn lựa chọn hỗ trợ con cái phát triển tự nhiên với tư cách một người bạn đồng hành là hoàn toàn khả thi, nếu áp dụng phương pháp giáo dục Montessori.
Phương thức trao đổi của cha mẹ đối với con cái có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành sự kết nối giữa đôi bên và sự phát triển kỹ năng giao tiếp của trẻ. Cha mẹ cần có một tư duy giáo dục cởi mở để trao cho trẻ nhiều cơ hội tương tác hơn, thay vì bó hẹp con trẻ trong những khuôn mẫu. Sự tương tác hiệu quả bắt đầu từ việc dẫn dắt con mở lòng đón nhận cha mẹ vào thế giới tràn ngập sự sáng tạo kỳ lạ mang tính bản năng của trẻ. Khi trẻ tin tưởng, trẻ sẽ thể hiện cho cha mẹ thấy mọi điều mình tưởng tượng ra, những cách chơi mới, những cảm nhận ngây ngô. Hơn hết, cha mẹ sẽ nhìn rõ khả năng của con trong từng khía cạnh, điều gì cần hoàn thiện, điều gì cần được định hướng.
Một em bé được trao cơ hội phát triển tư duy, kỹ năng hoàn chỉnh thì dĩ nhiên khả năng sử dụng ngôn ngữ cũng được phát triển. Xã hội càng hiện đại, vai trò của kỹ năng giao tiếp càng trở nên quan trọng trong đời sống thường nhật và sự nghiệp của mỗi người. Cha mẹ mong muốn con cái có thể tạo dựng một tương lai tươi sáng thì cần đầu tư nhiều mặt, nhưng không thể thiếu phát triển ngôn ngữ. Việc sở hữu khả năng giao tiếp tốt, tư duy ngôn ngữ phát triển giúp cho việc học ngoại ngữ của trẻ sau này không còn trở ngại.
Thay vì phải đợi trẻ đủ lớn để có thể theo học những lớp kỹ năng mềm tốn kém tiền bạc và thời gian mà không chắc đạt hiệu quả, cha mẹ nên giúp con có được nền tảng tốt phát triển khả năng ngôn ngữ ngay từ khi còn nhỏ. Những ảnh hưởng từ cách trao đổi của cha mẹ với con cái vào giai đoạn này rất mạnh mẽ, bởi trẻ đang trong “giai đoạn vàng” hình thành và phát triển nhân cách. Sự uốn nắn của cha mẹ lúc này tương tự việc rèn sắt khi còn nóng, thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ cho trẻ càng hiệu quả hơn.
Đến đây, cha mẹ đã hiểu rõ phương thức trao đổi hiệu quả nhất đối với con cái chính là làm bạn với trẻ. Việc lựa chọn phương thức trao đổi phù hợp với trẻ sẽ góp phần tạo ra những tác động tích cực đến sự phát triển khả năng ngôn ngữ của con. Cha mẹ sẽ chỉ có thể thấy rõ những ảnh hưởng từ cách trao đổi của cha mẹ với con cái khi trẻ dần lớn lên và có sự thể hiện rõ ràng hơn.
Montessori là phương pháp giáo dục sớm đáng để cha mẹ áp dụng cho con mình tại nhà. Đừng lo ngại về những giáo cụ chất lượng và an toàn, Kinderlove hy vọng luôn được đồng hành với các gia đình trên con đường trưởng thành của các bé.
Mọi thông tin liên hệ:
CÔNG TY TNHH KINDERLOVE
Website: https://kinderlove.vn
Zalo: 0334549012
Email: hello@kinderlove.vn
Bài viết khác:
- 8 Phương Pháp Dạy Con Thông Minh Sớm Mà Ba Mẹ Cần Biết
- Chậm nói ở trẻ nhỏ: Nguyên nhân do đâu và cách khắc phục
- Giáo Dục Sớm Là Thế Nào? Ưu Nhược Điểm Bố Mẹ Nên Biết
- Tổng Hợp Các Phương Pháp Giáo Dục Sớm Cho Trẻ Hay Nhất
- Dạy Con Thông Minh Sớm - Phương Pháp Siêu Hay Cho Bố Mẹ
- Giáo Dục Sớm Cho Trẻ - Liệu Có Nên Hay Không?