Phương Pháp Montessori: Các Giai Đoạn Nhạy Cảm Là Gì?


Phương Pháp Montessori: Các Giai Đoạn Nhạy Cảm Là Gì?
Thứ Bảy, 15/10/2022 Đăng bởi: Kinderlove

Giai đoạn nhạy cảm của trẻ theo Montessori là gì?

Trong bài đăng trên blog hôm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu các giai đoạn Nhạy cảm, một trong những thuật ngữ được giáo viên Montessori sử dụng mà các bậc cha mẹ thường thắc mắc.

Các nhà khoa học phát hiện, não bộ khi tiếp nhận các thông tin từ bên ngoài thường có tính giai đoạn, được gọi là “cánh cửa cơ hội”, cũng chính là thời kì nhạy cảm mà chúng ta đang nói đến. “Cánh cửa cơ hội” được mở ra và cũng sẽ đóng lại. Khi thời kì nhạy cảm của một giai đoạn học tập nào đó xuất hiện (ví dụ: thị giác, thính giác, ngôn ngữ, tình cảm, vận động), sự khởi động của “cánh cửa cơ hội” sẽ khiến cho việc học hỏi của trẻ trở nên dễ dàng, nhẹ nhàng. Ngược lại, khi “cánh cửa cơ hội” đóng lại việc học hỏi trở nên vô cùng khó khăn. 

Maria Montessori đã sử dụng một thuật ngữ do nhà sinh vật học người Hà Lan, Hugo de Vries đặt ra (Thuyết đột biến - 1902) để chỉ những giai đoạn phát triển quan trọng của thời thơ ấu. Trong quá trình tiếp xúc với trẻ em, bà đã phát hiện, trong quá trình trẻ trưởng thành sẽ nảy sinh một hiện tượng giống nhau, từ đó bà đưa ra nguyên lý “thời kỳ nhạy cảm”, đồng thời vận dụng nó vào việc giáo dục trẻ nhỏ và đã có đóng góp lớn trong việc nâng cao trí tuệ của trẻ.

Trong sách “Bí mật tuổi thơ”, Montessori nói: “Giai đoạn nhạy cảm đề cập đến sự nhạy cảm đặc biệt mà một sinh vật có được khi còn sơ sinh, trong khi nó vẫn đang trong quá trình tiến hóa. Nó chỉ là một sự thay đổi nhất thời và chỉ giới hạn trong việc đạt được một đặc điểm cụ thể. Khi đã có được đặc điểm, thì sự nhạy cảm đặc biệt này sẽ biến mất.”...“Cái gọi là thời kỳ nhạy cảm là chỉ trong quá trình từ 0-6 tuổi, trẻ chịu sự chi phối của sức sống, trong một giai đoạn nào đó sẽ chuyên tâm tiếp thu những đặc trưng của sự vật ở trong một môi trường nào đó, đồng thời liên tục lặp lại trong quá trình thực tiễn. Sau khi vượt qua thời kỳ nhạy cảm này, tâm lý và trí tuệ của trẻ sẽ phát triển lên một tầm cao mới.”

Giai đoạn nhạy cảm, hay cửa sổ cơ hội, là một thuật ngữ được sử dụng trong tâm lý học thần kinh, và những hiểu biết hiện tại của chúng ta về não bộ cho thấy rằng có một giai đoạn cụ thể để phát triển một vài khả năng ví dụ như tiếp thu ngôn ngữ, phát triển vận động và nhận thức.

Trong giai đoạn nhạy cảm, đứa trẻ quan tâm sâu sắc đến một chủ đề cụ thể. Trẻ thích thú lặp lại một số hành động nhất định. Do đó, đứa trẻ có thể dễ dàng đạt được những khả năng nhất định liên quan đến sở thích này.

Các giai đoạn nhạy cảm có thể xuất hiện song song với nhau. Khi giai đoạn nhạy cảm qua đi, ham muốn mãnh liệt không còn nữa và cơ hội tìm hiểu sâu sắc và dễ dàng về chủ đề đó cũng không còn nữa. Nhưng nó không có nghĩa là tất cả bị mất đi! Ví dụ, một đứa trẻ học ngôn ngữ thứ hai sẽ dễ dàng hơn trong những năm đầu đời. Nếu đứa trẻ không có cơ hội đó, thì sau này việc học một ngôn ngữ khác sẽ đòi hỏi một nỗ lực có ý thức.

Tại sao việc tìm hiểu về các giai đoạn Nhạy cảm là quan trọng

Montessori giai đoạn nhạy cảm với ngôn ngữ

Maria Montessori khuyến khích người lớn quan sát hành vi và hoạt động của trẻ em để phát hiện ra chúng đang ở giai đoạn nhạy cảm nào. Quan sát trẻ cho phép người lớn phát hiện sự quan tâm của trẻ và cung cấp các hoạt động phù hợp với giai đoạn nhạy cảm hiện tại của trẻ. Rõ ràng, điều quan trọng cần nhớ là mỗi đứa trẻ là một cá thể khác biệt. Maria Montessori giải thích rằng, mặc dù những giai đoạn nhạy cảm đó là phổ biến với đa số trẻ, cha mẹ có thể không thể phát hiện ra tất cả.

Thời kỳ nhạy cảm là một trợ lực mà tự nhiên ban tặng giúp trẻ thuận lợi trong quá trình trưởng thành. Thay vì ép trẻ khó nhọc học hành, cha mẹ hãy kiên nhẫn chờ đợi thời kỳ nhạy cảm của trẻ đến, để trẻ tự động, tự chủ, tự phát học tập dựa theo sự hướng dẫn của nhu cầu nội tại. Bởi trẻ học như thế không chỉ nhẹ nhàng, vui vẻ mà còn hiệu quả hơn rất nhiều lần.

Đối với những đứa trẻ đang trong thời kỳ nhạy cảm, cha mẹ cần thấu hiểu, khoan dung, yêu thương, cổ vũ, mong đợi….để trẻ dựa vào động lực này mà hình thành nên cá thể độc lập, ổn định, hài hòa và lành mạnh. 

Đặc điểm của thời kỳ nhạy cảm

Thời kỳ quan trọng cho việc giáo dục chính là thời kì nhi đồng. Thời kỳ nhi đồng là giai đoạn tốt nhất cho sự phát triển năng lực đặc biệt và phát triển hành vi. Trong giai đoạn này, cá thể có sự nhạy cảm đặc biệt đối với những ảnh hưởng của môi trường đến hành vi và năng lực. 

Những đứa trẻ trong giai đoạn nhạy cảm cực kì nhạy cảm với những kích thích từ thế giới bên ngoài, dễ tiếp thu những thông tin từ môi trường, tiềm năng bẩm sinh được phát huy tốt nhất, đầy đủ nhất, từ đó dễ dàng thu được những khả năng nào đó.

Đối với các bậc phụ huynh, “thời kỳ nhạy cảm” là chiếc chìa khóa mở cánh cửa tâm hồn bé, là sự giao lưu sơ khai nhất với tâm hồn của trẻ. Vì vậy, mỗi phụ huynh cần hiểu và nắm rõ về 6 đặc điểm của thời kỳ nhạy cảm:

1. Thời kỳ nhạy cảm cần có ba yếu tố: Sinh vật có một khả năng nào đó trong thời kỳ ấu thơ, hướng đến một yếu tố đặc biệt trong một môi trường nào đó, cảm nhận mà cá thể thu được trong một khoảng thời gian nhất định trở nên vô cùng nhạy cảm.

2. Thời kỳ nhạy cảm có tính đàn hồi: Có những thời kỳ nhạy cảm có thể có cơ hội bù đắp, tiền đề của sự bù đắp là trẻ bắt buộc phải được lớn lên trong môi trường tràn đầy tình yêu và tự do.

3. Thời kỳ nhạy cảm có tính giai đoạn và liên quan: Khi hoàn thành giai đoạn nhạy cảm thứ nhất, giai đoạn nhạy cảm liên quan thứ hai sẽ nối tiếp vào đó. Nên hiểu rằng, đó không phải là thời kỳ nhạy cảm có đặc tính khác mà là một chuỗi những thời kì nhạy cảm có đặc tính tương quan với nhau.

4. Các thời kỳ nhạy cảm không hoàn toàn tách biệt với nhau mà có liên quan đến nhau.

5. Sự xuất hiện của thời kỳ nhạy cảm có tính khác biệt: Thời gian xuất hiện của thời kỳ nhạy cảm lại không hoàn toàn chuẩn xác đối với mọi cá thể, mỗi em bé do có sự phát triển khả năng khác nhau, môi trường sống và các kích thích tác động khác nhau nên sự xuất hiện của các thời kỳ nhạy cảm cũng có sự khác biệt, thậm chí là khác biệt rất lớn.

6. Sự xuất hiện của các thời kỳ nhạy cảm cần có sự kích thích và tích lũy cần thiết từ môi trường: Sự xuất hiện của thời kỳ nhạy cảm không chỉ tồn tại sự khác biệt về cá thể mà trước khi thời kỳ nhạy cảm xuất hiện, đã có một quá trình tích lũy tương đối dài, trong quá trình tích lũy này rõ ràng không nhìn thấy bất cứ thành quả nào, nhưng chúng lại là thành phần quan trọng tạo ra sự xuất hiện tất yếu của thời kỳ nhạy cảm. Nếu như trước đó không có sự tích lũy từ các kích thích của môi trường, thời kỳ nhạy cảm sẽ xuất hiện muộn, thậm chí không bao giờ xuất hiện. Ngược lại, thời kỳ nhạy cảm sẽ đến sớm hơn.

Nắm được thời kỳ nhạy cảm của trẻ để chuẩn bị môi trường phong phú, hợp lí cho trẻ cũng quan trọng giống như việc người nông dân nắm bắt được thời điểm gieo trồng thích hợp, chắc chắn sẽ được bội thu.

Montessori từng nói: “Những đứa trẻ trải qua thời kỳ nhạy cảm đang nhận sự “chỉ huy” từ một mệnh lệnh thần kì trong vô thức, ngay cả tâm hồn bé nhỏ của chúng cũng nhận được sự khích lệ”

6 giai đoạn nhạy cảm chính của trẻ theo phương pháp Montessori

Theo phương pháp Montessori, có 6 thời kỳ nhạy cảm.

 

Phương pháp Montesosri 6 thời kỳ nhạy cảm

 

1.        Giai đoạn nhạy cảm với ngôn ngữ

Giai đoạn nhạy cảm này kéo dài từ khi sinh ra (ngay cả trong tử cung) đến 6 tuổi. Các nghiên cứu ngày nay chứng thực sự tồn tại của giai đoạn nhạy cảm với ngôn ngữ. Khoa học thần kinh đã chỉ ra rằng cơ hội tiếp thu ngôn ngữ bắt đầu đóng lại vào khoảng 5 tuổi.

Maria Montessori đã từng nói: “Ngôn ngữ duy nhất mà con người có thể nói một cách hoàn hảo là ngôn ngữ họ học được khi còn nhỏ, khi không ai có thể dạy họ bất cứ điều gì”.

Một đứa trẻ ở độ tuổi lên 6, sẽ có được vốn từ vựng phong phú, các mẫu câu cơ bản và khả năng hiểu và âm giọng của tiếng mẹ đẻ. Đó là hầu như không có sự giảng dạy trực tiếp!

Trong giai đoạn nhạy cảm với ngôn ngữ, trẻ nhỏ cũng rất dễ học một ngôn ngữ khác. Ngôn ngữ không chỉ đề cập đến ngôn ngữ nói mà còn để đọc và viết. Maria Montessori quan sát thấy trẻ em bắt đầu viết sau đó mới biết đọc. Để giúp con phát triển ngôn ngữ, bạn hãy nói chuyện với con bạn như nói với một người trưởng thành, sử dụng từ vựng thích hợp chứ không phải ngôn ngữ trẻ em. Đọc sách, kể chuyện cũng là những hoạt động tuyệt vời giúp trẻ phát triển ngôn ngữ của mình.

Sách gỗ màu của Kinderlove - Đồ chơi Montessori

Trong ảnh: Sách gỗ màu của Kindelove

 2.       Giai đoạn nhạy cảm với chuyển động

Giai đoạn nhạy cảm này kéo dài từ sơ sinh đến 5 tuổi. Thời kỳ nhạy cảm đối với chuyển động có thể được chia thành các giai đoạn khác nhau.

•         Giai đoạn đầu - từ sơ sinh đến 2,5 tuổi

Giai đoạn đầu tiên, việc đạt được các kỹ năng vận động thô và tinh, đi lại và sử dụng tay, kéo dài từ sơ sinh đến 2,5 tuổi.

Môi trường mà chúng ta chuẩn bị cho trẻ tạo cơ hội cho đứa trẻ bò, kéo lên và tự do di chuyển. Chúng ta phải cho phép tự do đi lại và tránh các thiết bị trẻ em như ghế nhún, ghế tập ngồi hay ghế tập đi. Những thiết bị đó chỉ thuận tiện cho chúng ta. Mặc dù, đôi lúc chúng ta cần chúng để giữ an toàn cho trẻ trong lúc bạn không thể chú ý đến con, hãy cố gắng hạn chế sử dụng trong khoảng thời gian rất ngắn.

Chúng tôi khuyến khích để trẻ đi bộ, có hoặc không có trợ giúp. Trẻ mới biết đi không cần xe tập đi. Chúng ta phải cho trẻ đồ chơi hoặc giáo cụ giúp cải thiện chuyển động của tay và cải thiện khả năng phối hợp tay / mắt.

 

Đồ chơi giáo dục Montessori của Kinderlove - Đập búa lên cọc gỗ

Trong ảnh: Đồ chơi đập búa trong Hộp đồ chơi Suy Nghĩ của Kinderlove cho bé 10-11 tháng tuổi

•         Giai đoạn hai - từ 2,5 đến 4,5 tuổi

Giai đoạn thứ hai, sự phối hợp và hoàn thiện các kỹ năng vận động thô và vận động tinh, kéo dài từ 2,5 đến 4,5 tuổi.

Đây là lúc trẻ bắt đầu sử dụng cả hai tay phối hợp với các cử động tinh. Giờ đây, bé đã có thể cầm hay thả những món đồ nhỏ bằng ngón cái và ngón trỏ. Ví dụ, Các kỹ năng vận động tổng hợp bao gồm phối hợp đi bộ, chạy nhảy và giữ thăng bằng trong khi xách một bình nước.

Đứa trẻ có được sự phối hợp này thông qua việc lặp đi lặp lại các hoạt động vận động có mục đích. Thường xuyên đến công viên và môi trường ngoài trời có thể giúp ích cho giai đoạn nhạy cảm này. Trẻ em trải qua các giai đoạn nỗ lực tối đa. Trong giai đoạn này, trẻ muốn mang vác nặng, muốn đẩy, muốn khám phá cơ thể mình có thể làm được đến đâu.

 Montessori giai đoạn nhạy cảm với vận động

3.        Giai đoạn nhạy cảm với trật tự

Đứa trẻ trải qua giai đoạn nhạy cảm này từ 1 đến 3 tuổi. Nó thường đạt đỉnh khi khoảng 18 tháng tuổi. Trong giai đoạn này, đứa trẻ đang sắp xếp một trật tự trong đầu mình về thế giới xung quanh và có thể tự định hướng khi môi trường của chúng có trật tự.

Trong giai đoạn này, trẻ cần một lich trình hàng ngày và một số hoạt động có thể đoán trước được. Đứa trẻ cần sự nhất quán và quen thuộc.Trẻ có thể trở nên rất khó chịu vì những thay đổi nhỏ trong cuộc sống của mình.

Ở độ tuổi đó, đứa trẻ bắt đầu nhận ra rằng mình có thể kiểm soát môi trường vật chất của mình bằng cách di chuyển các đồ vật. Đứa trẻ muốn chắc chắn rằng mình có thể tìm lại những đồ vật đó. Đó là lý do tại sao trẻ em sẽ phát triển mạnh trong một môi trường có trật tự.

Trẻ cần những hoạt động sẽ giúp trẻ phát triển ý thức trật tự của mình. Đồ chơi nhân quả (chẳng hạn như một hộp banh vĩnh cửu) hoặc các trò chơi phân loại sẽ giúp con bạn có ý thức về trật tự. Con bạn sẽ thích phân loại động vật thành nhiều loại khác nhau: động vật trong vườn thú, động vật trang trại…

Có thể bạn quan tâm: Tính trật tự vốn có của trẻ

 

Trong ảnh: Hộp thả bóng gỗ trong Hộp đồ chơi Xem Xét của Kinderlove cho bé 6-7 tháng tuổi

Trong ảnh: Hộp thả bóng gỗ trong Hộp đồ chơi Xem Xét của Kinderlove cho bé 6-7 tháng tuổi

4.        Giai đoạn nhạy cảm để cải thiện các giác quan

Giai đoạn nhạy cảm này kéo dài từ lúc mới sinh (ngay cả trong tử cung) đến 4 tuổi.

Sự phát triển giác quan của não kéo dài đến 4 năm. Đứa trẻ học thông qua 5 giác quan của mình: Thị giác, Âm thanh, Khứu giác, Vị giác và Xúc giác. Điều quan trọng là phải giới thiệu cho con bạn những kích thích giác quan khác nhau.

  • Giúp bé phát triển khứu giác bằng cách ngửi hoa, gia vị và nước hoa.
  • Nghe các phong cách âm nhạc khác nhau và cho trẻ cơ hội chơi với các nhạc cụ thật.
  • Mang đến cho trẻ những trải nghiệm xúc giác khác nhau: thô và mịn, mềm và cứng…
  • Giúp trẻ biết phân biệt lớn nhỏ, dài và ngắn.
  • Dạy con màu sắc và giới thiệu cho con về nghệ thuật và những điều đẹp đẽ.

Đồ chơi giáo dục Montessori của Kinderlove - Phát triển thính giác

Trong ảnh: Đồ chơi giúp trẻ phát triển thính giác và học cảm nhận nhịp điệu

5.       Giai đoạn nhạy cảm với các chi tiết nhỏ và vật thể nhỏ

Giai đoạn này kéo dài từ 1 đến 3 tuổi.

Hãy tưởng tượng rằng bạn đang ở trên một đỉnh đồi với con của bạn. Trong khi bạn đang thưởng ngoạn, chỉ tay vào các tòa nhà, cây cối và bầu trời xanh, con bạn sẽ nhận thấy những con kiến đang diễu hành trên mặt đất hoặc một chiếc lông chim rơi xuống.

Trong khi bạn đang đọc một cuốn sách về từ ngữ và hình ảnh, chỉ vào con mèo, ngôi nhà và con sư tử, con bạn sẽ nhận thấy rằng có một quả trứng trong tổ chim trên cây nhỏ đó, hoặc trẻ sẽ nhận thấy rằng cô gái trong bức tranh có một trái tim nhỏ trên váy của cô ấy.

Chú ý đến những chi tiết nhỏ có vẻ không hiệu quả đối với đầu óc của người lớn chúng ta. Chúng ta leo lên đồi để ngắm cảnh chứ không phải để nhìn lũ kiến. Chúng ta đọc cuốn sách này để dạy từ ngữ, không phải để kiểm tra từng chi tiết nhỏ. Thật là lãng phí thời gian, chúng ta có thể nghĩ vậy. Nhưng trẻ lại không nghĩ thế. Sự nhạy cảm đối với các chi tiết nhỏ sẽ thúc đẩy sự tập trung, một kỹ năng mà con bạn sẽ cần phải học và sử dụng cả đời.

Trong giai đoạn nhạy cảm này, đứa trẻ sẽ bị thu hút bởi những đồ vật nhỏ khi khám phá môi trường xung quanh. Đây là thời điểm mà trẻ sẽ phát triển khả năng cầm nắm của mình - nắm giữa ngón cái và ngón trỏ. Bạn sẽ quan sát thấy con bạn muốn ăn hạt đậu xanh từng hạt một hoặc nhặt bụi trên sàn nhà. 

Hãy cẩn thận trong giai đoạn này và giám sát con bạn chặt chẽ, vì trẻ dễ đưa mọi thứ vào miệng. Khi trẻ đã qua giai đoạn đưa vào miệng, bạn có thể cho trẻ thực hiện các hoạt động chuyền vật nhỏ giao bằng tay, bằng kẹp, bằng nhíp.

 Hoạt động Montessori Hoạt động chuyền bằng kẹp

Trong ảnh: Hoạt động chuyền bằng kẹp

6.       Giai đoạn nhạy cảm với hành vi xã hội, cách cư xử và phép lịch sự

Giai đoạn nhạy cảm này kéo dài từ khoảng 2 tuổi rưỡi đến 6 tuổi.

Trong giai đoạn nhạy cảm này, đứa trẻ nhận thức được rằng mình là một phần của một nhóm. Đó là thời gian để có bạn bè!  Trước giai đoạn này, những đứa trẻ chơi bên cạnh nhau nhưng không tương tác nhiều với nhau. Bây giờ trẻ dần dần bắt đầu chơi một cách hợp tác.

Trẻ em cần quan sát cách cư xử trong xã hội. Khi trưởng thành, chúng ta là hình mẫu của trẻ. Chúng ta phải chỉ cho con cái chúng ta cách tương tác với người khác và giúp chúng giải quyết những xung đột.

Đây là lý do tại sao lớp học Montessori có trẻ nhiều độ tuổi. Những đứa trẻ lên 5 và 6 sẽ là hình mẫu cho những đứa trẻ mới lên 3. Hãy đưa con đi gặp và chơi với những đứa trẻ khác. Hãy ở cạnh con để có thể hướng dẫn con chơi, học cách hợp tác hay chia sẻ với bạn cùng chơi.

Montessori Giai đoạn nhạy cảm với hành vi xã hội

 

Thời kỳ nhạy cảm không chỉ là giai đoạn quan trọng cho việc học tập của trẻ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển tâm hồn và tính cách của chúng. Do vậy, các bậc phụ huynh nên tôn trọng những hành động mà tự nhiên đã ban tặng cho trẻ, đồng thời đưa ra những định hướng cần thiết giúp trẻ không bỏ lỡ cơ hội quí báu này.

 

Mọi thông tin liên hệ:

CÔNG TY TNHH KINDERLOVE

 
Viết bình luận:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: