Hoạt Động Toán Học Sớm Cho Trẻ 1 Và 2 Tuổi


Hoạt Động Toán Học Sớm Cho Trẻ 1 Và 2 Tuổi
Thứ Hai, 23/10/2023 Đăng bởi: KINDERLOVE

Giới thiệu toán học sớm cho trẻ

Có thể thấy trẻ ở độ tuổi 1 – 2 có khả năng tập trung chưa cao, nhưng khi phụ huynh dùng những sự vật cụ thể thì các bé sẽ có hứng thú hơn. Vì vậy, khi bắt đầu với toán học có thể trẻ sẽ không hứng thú như khi học ngôn ngữ. 

Bởi lẽ, ngôn ngữ là cái diễn ra hàng ngày, qua hoạt động giao tiếp của trẻ với mọi người xung quanh, qua các hoạt động chơi - học - khám phá, đọc sách cùng cha mẹ… mà các bé hình thành và bồi đắp vốn ngôn ngữ cho bản thân.

Việc trẻ tiếp xúc Toán học sớm thực sự cần đến sự dẫn dắt và tham gia của cha mẹ. Trẻ không thể tự mình hoàn thành được, vì sao? Mấu chốt của vấn đề nằm ở môi trường. Cũng giống như việc học nói, nếu trẻ có được môi trường học tập tốt, cùng với việc để chúng bắt chước lại một cách tự phát, dần dần, trẻ cũng có thể học được cách tính toán một cách tự nhiên.

Chúng ta nói chuyện hàng ngày và cũng thường xuyên viết chữ, nhưng không phải ngày nào chúng ta cũng thực hiện phép toán, không phải lúc nào cũng đọc sách số học. Môi trường không đủ điều kiện thúc đẩy chính là nguyên nhân khiến việc học Toán của trẻ không được diễn ra thuận lợi. Do đó, tạo một môi trường học tập chính là việc rất quan trọng trong việc học Toán của trẻ. 

Theo phương pháp Montessori, tiếp cận với Toán học sớm giúp tăng cường khả năng tư duy logic, trao cho trẻ cơ hội khám phá thế giới Toán học đầy lý thú và nuôi dưỡng tình yêu với môn khoa học trí tuệ này.

Các hoạt động Toán học sớm cho trẻ

Dưới đây là một số hoạt động nhằm giới thiệu và luyện tập cho trẻ từ 1- 2 tuổi mà phụ huynh có thể tham khảo, cũng như áp dụng để các bé tiếp cận Toán học sớm.

Phân loại thành các nhóm

Đây là hoạt động đơn giản đòi hỏi bé phân loại các đồ vật phù hợp thành từng nhóm giống nhau. Khi bé đã nắm rõ khái niệm này, cha mẹ có thể yêu cầu bé phân loại đồ vật theo màu sắc, hình dạng và kích thước.

Phụ huynh chuẩn bị: các đồ vật thuộc 4 nhóm bất kỳ (bút, kẹp quần áo, bóng len, cúc, ống hút,….); giỏ hoặc hộp đựng đồ vật; 4 sợi dây dài khoảng 20-50cm). Và tiến hành theo các bước sau: 

  • Bước 1: Nhờ bé mang giỏ đồ chơi ra. Sau đó, cha mẹ giỏ trước mặt bé và hỏi về các đồ vật ở trong giỏ. Cha mẹ hãy giải thích cho trẻ rằng các đồ vật trong giỏ đang lộn xộn, cần sắp xếp chúng lại theo nhóm.
  • Bước 2: Khoanh tròn các sợi dây thành từng vòng tròn bên ngoài giỏ hoặc hộp đựng đồ. 

Phân loại thành các nhóm - Học toán

  • Bước 3: Yêu cầu bé phân loại các đồ vật rồi cho vào các vòng tròn. Phụ huynh có thể làm mẫu trước 1 lần cho bé hình dung ra cách làm.

Ngoài ra, cha mẹ có thể thử để các đồ vật lại trong giỏ, yêu cầu các bé sắp xếp các đồ vật theo màu sắc. Bạn giúp trẻ bắt đầu bằng việc chọn mẫu một màu. Hoặc, bạn sử dụng các đồ vật có hình dạng bằng gỗ và yêu cầu trẻ sắp xếp theo hình dạng như hình tam giác, hình vuông và hình tròn. 

Trong các hộp đồ chơi của Kinderlove có rất nhiều bộ đồ chơi dạng hình khối, màu sắc, cha mẹ có thể vận dụng vào hoạt động phân loại cùng các bé.

 

Núm gỗ xếp chồng - Đồ chơi Montessori

Trong ảnh: Núm gỗ xếp chồng - Đồ chơi mở giúp bé học phân loại, đếm, xắp xếp,..

Núm gỗ xếp chồng - Đồ chơi Montessori

Trong ảnh: Hộp xu, cà rốt và que gỗ giúp bé phát triển vận động tinh đồng thời học về màu sắc, phân loại và đếm

 

Luyện tập so sánh, cái ngắn nhất

Đây là hoạt động có thể hỗ trợ từng giác quan của trẻ: thị giác, thính giác, xúc giác tăng cường khả năng nhận biết các khía cạnh định tính của vật, luyện tập trực quan so sánh dài ngắn, kích thước đồ vật.

Cha mẹ hãy chuẩn bị những que gỗ cùng loại nhưng khác nhau về độ dài. Phương pháp luyện tập theo các bước:

  • Bước 1: Cho trẻ ngồi bên cạnh phụ huynh, đặt các que gỗ lên trên bàn.
  • Bước 2: Lấy ngẫu nhiên 2 que gỗ, dựng đứng trên bàn, hỏi trẻ chỉ ra xem cây nào dài, cây nào ngắn.
  • Bước 3: Lấy thêm 2 que gỗ khác, đặt câu hỏi: “Que nào dài?”. Quan sát quá trình giải quyết của trẻ.
  • Bước 4: Khi trẻ nhận ra que nào dài nhất rồi thì kịp thời công nhận thành tích của con. Cha mẹ giúp trẻ đặt chiếc que sang một bên.
  • Bước 5: Tiếp tục lấy 2 que gỗ, hướng dẫn trẻ tìm que dài hơn rồi đặt sang bên cạnh que đầu tiên.
  • Bước 6: Lần lượt luyện tập, cho đến khi chỉ còn sót lại 1 que cuối cùng
  • Bước 7: Cầm que gỗ cuối cùng lên để so sánh với que gỗ vừa lấy đi, rồi chỉ ra cho trẻ: “Đây là que ngắn nhất”

Giới thiệu về Lượng – Bài học gậy số (number rod)

Đầu tiên, trẻ luôn học từ trực quan đến trừu tượng. Vì vậy, gậy số là một công cụ giúp trẻ nhận biết về lượng. Sau đó, trẻ sẽ học về số, tiếp đến ghép giữa lượng và số có sự tương ứng. 

Hoạt động này sử dụng các thanh số để dạy bé về số lượng tương ứng với mỗi chữ số. Cha mẹ hãy lưu ý rằng ngôn ngữ thay đổi theo sự phát triển của hoạt động. Điều này giúp các bé hiểu rõ thêm khái niệm về số lượng.

Ba mẹ sử dụng 10 thanh gỗ, thanh ngắn nhất dài 10cm, thanh dài nhất là 1m, ở giữa, mỗi thanh còn lại cách nhau 10cm. Trên thanh gỗ cứ cách 10cm lại sơn màu xanh, đỏ đan xen. 

Giới thiệu về Lượng – Bài học gậy số (number rod)

Hãy bắt đầu từ số 1, 2, 3. Cha mẹ lấy 3 thanh gậy biểu thị số 1, 2, 3 và bắt đầu theo các bước:

  • Bước 1: Đặt ba thanh số 1, 2, 3 vào khay và nhắc bé mang khay đặt lên bàn. Phụ huynh hãy cho bé ngồi đối diện.
  • Bước 2: Mang thanh số 1 đặt lên trước mặt bé, chỉ ngón tay trỏ vào đó và nói “Đây là một” và lặp lại tên vài lần “Một, một…..đây là một”. 
  • Bước 3: Đưa thanh gậy số thứ 2 tới trước mặt trẻ và nói: “Đây là 2”. Sau đó, cha mẹ dùng ngón tay trỏ đặt vào vị trí trung tâm của từng đoạn trên thanh gậy số một cách cẩn thận sao cho không che khuất tầm nhìn của trẻ và chỉ cho trẻ về lượng. Phụ huynh hãy chỉ vào đoạn màu đỏ của thanh và nói: “Một”; rồi chỉ vào đoạn màu xanh và nói: “Hai”. Phụ huynh hãy lặp lại hoạt động này vài lần.
  • Bước 4: Lấy thanh gậy số 3 và lặp lại hoạt động như ở bước trên. Cha mẹ đọc tên vài lần như trên: “Ba…ba…đây là 3”. Cuối cùng, ta đếm các phần: “Một…Hai…Ba” khi chỉ vào các phần của thanh gậy số.
  • Bước 5: Đặt cả ba thanh lên trước mặt bé và có thể hỏi: “Con có thể chỉ vào thanh số 1 không. Phụ huynh khuyến khích trẻ chỉ ngón tay vào đó. Sau đó, chúng ta nói tiếp: “Vậy thanh số 2 là đâu nhỉ?” và tiếp tục tới khi kết thúc.. Cha mẹ hãy xáo trộn vị trí các thanh và lặp lại các bước tương tự nhưng nói: “Hãy chỉ cho mẹ…”. Cha mẹ lặp lại thêm lần thứ 3 nhưng nói: “Đâu là thanh….”
  • Bước 6: Đặt cả ba thanh phía trước bé và dùng ngón trỏ lên thanh một và hỏi: “Đây là thanh gì?”. Bé trả lời: “Một”. Cha mẹ đặt ngón trỏ lên thanh hai và hỏi: “Đây là thanh gì?” Bé trả lời: “Hai”.
  • Bước 7: Khuyến khích bé đếm cả ba thanh và nói “Một. Hai. Ba”

Phụ huynh hướng dẫn về số lượng lần lượt lên đến 10 bằng cách sử dụng các gậy số. Mỗi lần qua số mới, cha mẹ hãy xem lại các số trước đó. Khi bé bắt đầu nhận ra số lượng, cha mẹ giới thiệu bé đếm các nhóm đồ vật. (Cha mẹ có thể sử dụng các nhóm đồ chơi, đồ vật ở phần “Phân loại các nhóm”). Cha mẹ hãy hỏi trẻ: “Nhóm nào có nhiều đồ vật nhất?”, “Nhóm nào có ít đồ vật nhất”….

Treo đồ vật thành một hàng 

Đây là hoạt động nhằm củng cố khái niệm về lượng lên đến 10. Bạn cần thu thập rất nhiều đồ vật nhỏ cho hoạt động này. Cha mẹ hãy rủ bé cùng tham gia vào quá trình thu thập đồ vật. Chúng ta chọn các đồ vật yêu thích của trẻ để trẻ cảm thấy thú vị khi đồ vậy được treo trong phòng. 

Phụ huynh hãy chuẩn bị: 

  • 10 chiếc túi đựng thực phẩm sạch và rộng
  • 10 chiếc kẹp quần áo
  • Các đồ vật được nhóm lại thành các nhóm từ 1 – 10 (ví dụ: 1 búp bê, 2 quả bóng, 3 xe ô tô, 4 khối gỗ vuông, 5 khối trụ gỗ, 6 que gỗ….)
  • Dây để căng qua phòng
  • Khay

Cha mẹ nên treo đồ vật ở nơi bé có thể nhìn thấy, đảm bảo rằng chúng không gây vướng víu cho bé. Bây giờ, cha mẹ cùng mời bé tham gia hoạt động theo các bước:

  • Bước 1: Đặt tất cả đồ vật, túi đựng và kẹp quần áo vào một cái khay và nhắc bé mang khay để lên bàn. Mẹ hãy cho bé ngồi bên cạnh và đặt khay trước mặt bé.
  • Bước 2: Hãy nói với bé rằng “Mẹ và con sẽ làm một dây treo các số, bắt đầu từ 1 đến 10.
  • Bước 3: Cùng bé sắp xếp các đồ vật thành từng nhóm. Đầu tiên, mẹ hãy cùng bé tìm đồ vật cho nhóm 1 và đặt chúng vào túi. Mẹ làm mẫu cách cuộn miệng túi lại và dùng kẹp quần áo kẹp miệng túi cho kín. Và sau đó, mẹ có thể yêu cầu bé làm tương tự cho những túi sau. 
  • Bước 4: Sau đó, mẹ hỏi bé số tiếp theo sau số 1 là số nào. (Nếu bé không thể nhớ ra, mẹ hãy đưa cho bé nhóm có hai đồ vật để bé đếm, việc này sẽ làm bé nhớ lại)
  • Bước 5: Yêu cầu bé tìm nhóm 2 với 2 đồ vật,  lặp lại các bước tương tự cho các nhóm còn lại với các côn số lên đến 10.
  • Bước 6: Nói với trẻ rằng sẽ treo các túi thành một dây. Phụ huynh đặt các túi vào khay và để bé giúp bạn mang chúng đến dây đã chuẩn bị sẵn. Cha mẹ thử yêu cầu bé tìm túi có đồ vật và đưa cho mình treo lên dây. 

Hoạt động nhận biết con số, thẻ số từ 1 đến 10

Khi bé đã hiểu về lượng từ 1 đến 10, cha mẹ có thể dạy các chữ số từ 1 đến 10. Hoạt động này sử dụng các chữ số làm từ giấy nhám, để định hình hình dạng của các chữ số.

Phụ huynh sử dụng một số tờ giấy nhám, keo dán, 10 mảnh bìa các – tông kích thước 10×8cm, bút chì, kéo. Sau đó, chúng ta viết chữ số 1 đến 10 vào mặt sau của tờ giấy nhám. Cha mẹ cắt rời các chữ số và dùng keo dán các chữ số đó lên tờ bìa các – tông. Thực hiện theo các bước dưới đây:

  • Bước 1: Đặt thẻ 1, 2, 3 lên bàn và cho bé ngồi bên cạnh.
  • Bước 2: Đặt thẻ số 1 phía trước mặt bé. Mẹ dùng ngón tay trỏ và ngón tay giữa to lại theo số 1 trên thẻ số. Khi phụ huynh đang tô lại, hãy nói rằng: “Đây là cách chúng ta viết số 1”. Để bé thực hiện và khi đó bé sẽ nói: “Đây là cách chúng ta viết số 1”.
  • Bước 3: Lặp lại với thẻ số 2 và thẻ số 3. Mỗi thẻ đều lặp lại hai lần. 
  • Bước 4: Đặt cả ba chữ số phía trước bé và nói: “Chỉ cho mẹ số 1 nào”, “Chỉ cho mẹ số 2 nào”, “Chỉ cho mẹ số 3 nào”. Mẹ đảo ngược lại các số và hỏi: “Một là số nào?”, “Hai là số nào?”, “Ba là số nào?”
  • Bước 5: Lặp lại các bước.

Cần cho các bé xem lại các chữ số đã học trước khi giới thiệu số mới, không dạy quá ba chữ số mới một ngày.

Trên đây là một số hoạt động cha mẹ có thể cùng các bé làm quen với các khái niệm Toán học, về số lượng, các chữ số….Ở độ tuổi 1 -2, các hoạt động Toán học giai đoạn này chủ yếu vẫn là để bé làm quen với Toán học, rèn luyện tư duy. Cha mẹ hãy kiên nhẫn nếu các bé không tập trung, kiên trì lặp đi lặp lại các thao tác và hoạt động. Cha mẹ hãy tạo môi trường thoải mái, vui vẻ, học mà chơi, khuyến khích trẻ tham gia hoạt động Toán học sớm một cách tự nhiên nhất.
 

Mọi thông tin liên hệ:

CÔNG TY TNHH KINDERLOVE

Viết bình luận:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: